Đại biểu chất vấn nhiều nội dung được cử tri quan tâm

08:12, 07/12/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Chiều 7/12, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành phiên chất vấn.
[links()]
Các đại biểu tập trung chất vấn 3 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: Văn hóa, du lịch; đào tạo nghề, lao động, việc làm và an ninh trật tự. 
 
Nhiều di tích lịch sử - văn hóa chưa phát huy hiệu quả 
 
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Kiều Hoanh đặt vấn đề, Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, việc quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh; nhiều di tích chưa được trùng tu, tôn tạo, bị lấn chiếm, xâm hại. Đề nghị cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng lấn chiếm, xâm hại các di tích này trong thời gian tới?
 
Đại biểu Trần Thị Kiều Hoanh đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Đại biểu Trần Thị Kiều Hoanh đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực văn hóa, du lịch.
 
Đại biểu Lê Na đặt câu hỏi, hiện nay, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh chưa phát huy được tiềm năng để thu hút khách du lịch, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị cho biết nguyên nhân vấn đề này? Giải pháp phát huy giá trị của các di tích, danh lam thắng cảnh phục vụ phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
 
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng, hiện có 50/254 di tích bị xâm hại, lấn chiếm làm đất canh tác, làm đường đi, làm hồ nuôi tôm, dựng lều quán bán hàng … Nguyên nhân chính là do các di tích chưa được cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ và chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên dẫn đến tình trạng trên.  
 
Trước tình hình đó, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm tại một số di tích. Chính quyền các cấp cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết, thậm chí là cưỡng chế tháo dỡ nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm, có nơi còn kéo dài nhiều năm.
 
Giám đốc Sở CH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng trả lời các câu hỏi chất vấn.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng trả lời các câu hỏi chất vấn.
 
Trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với địa phương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ di tích đối với những di tích đã được xếp hạng trước năm 2012 và những di tích đã được UBND tỉnh quyết định kiểm kê, bảo vệ; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân xâm phạm di tích; phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương triển khai và thực hiện tốt Quyết định số 51/QĐ-UBND ngày 14/1/2022 của UBND tỉnh ban hành kèm theo “Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”.…
 
Đối với việc phát huy giá trị di tích, Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tổng số di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh khá nhiều. Nhưng đến nay chỉ có một số ít di tích phát huy được giá trị và trở thành điểm tham quan cho du khách trong nước và quốc tế như: Khu chứng tích Sơn Mỹ, Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu di tích đội Hoàng Sa - Bắc hải trên đảo Lý Sơn, Núi Thiên Ấn và Mộ cụ Huỳnh, di tích Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Những di tích còn lại chưa phát huy được tiềm năng để thu hút khách du lịch, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
 
Để các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phát huy được tác dụng, gắn với đời sống của nhân dân thì rất cần có sự quan tâm và chung tay của các cấp, các ngành, địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích để xứng tầm với những giá trị và ý nghĩa vốn có của các di sản.
 
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái trả lời tại phiên chất vấn.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái trả lời tại phiên chất vấn.
 
Trả lời câu hỏi về các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái thông tin, trên địa bàn tỉnh có 27 dự án đầu tư còn hiệu lực, với quy mô sử dụng đất 588,72 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 15,1 nghìn tỷ đồng. Đã có 6 dự án hoàn thành, 1 dự án đưa vào hoạt động, 1 dự án đang triển khai, 3 dự án chưa hoạt động, 16 dự án chưa triển khai xây dựng và đang trong quá trình triển khai các thủ tục sau chấp thuận chủ trương đầu tư.
 
Việc thu hút đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa được nhiều, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, sức cạnh tranh về dịch vụ du lịch của tỉnh nhìn chung chưa cao, hạ tầng phục vụ để phát triển du lịch còn thiếu và chưa đồng bộ. Phần lớn các dự án khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đất đai vì liên quan đến đất công, tài sản công; việc tự thỏa thuận về đất với các hộ dân có trong dự án không đạt kết quả. Các quy định có liên quan giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư, đấu thầu còn có sự bất cập, nên các dự án chưa thể thuê đất và triển khai dự án theo tiến độ được phê duyệt…
 
Các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
 
Để thúc đẩy về tiềm năng, nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội đối với lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, trong thời gian đến, các sở, ngành và địa phương cần thường xuyên rà soát, đôn đốc nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động. Trường hợp chậm tiến độ, sẽ kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Ngoài ra, tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch của tỉnh nhằm thu hút các nguồn lực có tiềm năng đăng ký đầu tư các dự án quy mô lớn, tạo sự lan tỏa để thúc đẩy phát triển lĩnh vực ngành trên địa bàn tỉnh.
 
Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhận định, tình trạng di tích lịch sử bị xâm hại, lấn chiếm là trách nhiệm thuộc về các địa phương và ngành văn hóa. Công tác quản lý di tích đã bị buông lỏng trong thời gian dài mà chưa có biện pháp xử lý triệt để. Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ siết chặt công tác giám sát, quản lý, kiểm kê, trùng tu di tích; quy rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm nếu địa phương hoặc Sở VH-TT&DL để tiếp diễn tình trạng di tích bị xâm hại, lấn chiếm.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề tại phiên chất vấn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề tại phiên chất vấn.
 
Về công tác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Quảng Ngãi chưa có quy hoạch tốt để phát huy thế mạnh, quảng bá và giới thiệu sản phẩm du lịch. Đồng thời, tỉnh chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng vào lĩnh vực này; chưa tranh thủ được nguồn lực của trung ương để đầu tư, phát triển hạ tầng, làm đòn bẩy phát triển du lịch.
 
Quảng Ngãi đang lập quy hoạch tỉnh, sau khi được Chính phủ phê duyệt, thì tỉnh sẽ có kế hoạch rõ ràng để thu hút đầu tư các dự án lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong thời gian tới. Công tác phát triển du lịch không phải là nhiệm vụ của địa phương, ngành cụ thể mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội. Với các dự án du lịch, tỉnh sẽ giải quyết trình tự thủ tục theo lộ trình và đúng quy định; xử lý dứt điểm những dự án “treo”. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh khẳng định, đây là trách nhiệm của UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành. Thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát lại toàn bộ những vướng mắc và những giải pháp tháo gỡ trong lĩnh vực văn hóa, du lịch để báo cáo HĐND tỉnh và cử tri, nhân dân biết.
 
Quan tâm đến lĩnh vực lao động, việc làm, an ninh trật tự
 
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, đại biểu Phan Đặng Nhân Ái đặt vấn đề, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, qua các năm thực hiện cho thấy số lượng học sinh, sinh viên được hỗ trợ kinh phí từ chính sách này rất thấp. Đề nghị cho biết nguyên nhân việc triển khai thực hiện nghị quyết này chưa thực sự hiệu quả? Giải pháp nào trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với công tác đào tạo nghề.
 
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Ánh Lan cho biết, việc ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đã khắc phục những hạn chế trong đào tạo nghề. Tuy nhiên, năm 2018 chỉ có 45 em học sinh, sinh viên được hỗ trợ (34 em tốt nghiệp cao đẳng và 11 em tốt nghiệp trung cấp); các năm 2019, 2020 không có trường hợp nào. Kết quả này chưa tương xứng với kỳ vọng trước khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018.
 
Nguyên nhân là do chính sách quy định: “Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khi có nhu cầu đặt hàng đào tạo nghề đối với các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, nhưng thực tế doanh nghiệp chỉ muốn tuyển dụng lao động có tay nghề vào làm việc ngay. Trong khi đó chính sách này phải chờ 2 đến 3 năm mới có học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có quan niệm đào tạo nghề là trách nhiệm của xã hội, do đó sẽ chỉ tuyển dụng những lao động đã qua đào tạo khi có nhu cầu.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Ánh Lan trả lời các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Ánh Lan trả lời các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm.
 
Sở LĐ-TB&XH đang triển khai xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp dịch vụ đào tạo. Sau khi có quy định, sở sẽ tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách theo cơ chế nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ đào tạo nghề căn cứ vào số lượng, chất lượng đầu ra. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.
 
Trả lời câu hỏi về tình hình người lao động làm thủ tục để hưởng BHXH một lần, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, dù ngành chức năng đã tích cực trong việc giải thích, vận động, tư vấn, tuyên truyền về những bất lợi khi nhận BHXH một lần. Nhưng do khó khăn trước mắt, một số người lao động yêu cầu thanh toán. Tính đến 31/10/2022, toàn tỉnh có 6.138 người nhận BHXH một lần, tăng hơn 13,94% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với cơ quan BHXH tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người lao động thấy việc nhận BHXH một lần là "lợi trước mắt, hại lâu dài". Mở rộng mạng lưới thông tin, truyền thông, tuyên truyền ngay từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nơi để tuyên truyền, giải thích, góp phần làm chuyển biến nhận thức của người lao động về ý nghĩa của chính sách BHXH, hạn chế nhận BHXH một lần, chủ động tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu khi về già. Kiến nghị đề xuất với các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
 
Đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng đặt câu hỏi liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng đặt câu hỏi liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự.
 
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vấn đề an ninh trật tự cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Trả lời câu hỏi về tình trạng xe quá tải, quá khổ hoạt động công khai, Đại tá Phan Công Bình – Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, Công an tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là xử lý triệt để tình trạng xe ô tô cơi nới thành, thùng xe, chở hàng quá tải, quá khổ, gây hư hỏng hạ tầng giao thông.
 
Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát toàn tỉnh đã tổ chức hơn 10 nghìn ca tuần tra, kiểm soát, có 45,2 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; phát hiện 30,3 nghìn trường hợp vi phạm (tăng 3.680 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021); phạt tiền 23,5 nghìn trường hợp, với tổng số tiền trên 31 tỷ đồng (tăng hơn 09 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021); tước giấy phép lái xe 3.158 trường hợp.
Đại tá Phan Công Bình - Giám đốc Công an tỉnh trả lời tại phiên chất vấn.
Đại tá Phan Công Bình - Giám đốc Công an tỉnh trả lời tại phiên chất vấn.
 
Để hạn chế và xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải, quá khổ gây hư hỏng mặt đường và hạ tầng giao thông; thời gian tới, Công an tỉnh tập trung triển khai thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Thực hiện tốt công tác khảo sát, nắm tình hình tuyến, địa bàn giao thông, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, mỏ... để xác định quy luật hoạt động, thời điểm có nhiều phương tiện vi phạm về quá tải, quá khổ để xây dựng kế hoạch, phương án triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý cho phù hợp, hiệu quả…
 
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, các đại biểu đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để nêu ra những câu hỏi chất vấn phù hợp với thực tế hiện nay, được cử tri quan tâm; phiên chất vấn cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân đề nghị các sở, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc, tồn tại để tập trung tháo gỡ, khắc phục. Những vấn đề chưa được trả lời trực tiếp trong phiên họp, HĐND tỉnh sẽ gửi câu hỏi đến các sở, ngành và yêu cầu trả lời bằng văn bản và sẽ trả lời cử tri một cách cụ thể, rốt ráo.
 
Thực hiện: N.ĐỨC – T.PHƯƠNG

 


.