(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tổ 4 gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu.
[links()]
Tại phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Đại biểu Đặng Ngọc Huy tán thành việc sớm ban hành quy định này để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Ngọc Huy cho rằng, không nên đưa nội dung này thành một nội dung của Nghị quyết kỳ họp mà nên ban hành một luật riêng sửa đổi Điều 80 của Luật Cán bộ, công chức và Điều 53 của Luật Viên chức.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy phát biểu thảo luận. Ảnh: QH |
Về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị sửa đổi từ “kỳ họp bất thường” thành “kỳ họp chuyên đề” như Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức Chính phủ; đồng thời nghiên cứu tiếp tục sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội về vấn này.
Việc mời đại biểu dự thính tại phiên họp Quốc hội, đại biểu Đặng Ngọc Huy cho rằng Nội quy kỳ họp chưa đặt vấn đề về việc mời Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố về dự thính phiên họp Quốc hội, nên cần nghiên cứu bổ sung nội dung này...
Tham gia phát biểu về Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, đồng tình với sự cần thiết ban hành luật sửa đổi, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tham nhũng.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tham gia ý kiến. Ảnh: QH |
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng, việc quy định về dấu hiệu đáng ngờ trong dự thảo luật còn chưa rõ ràng và đề nghị cần quy định cụ thể hơn. Đại biểu đề nghị cần có khái niệm rõ hơn về các thuật ngữ định tính như: Thường xuyên giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch có giá trị bất thường, giao dịch có giá trị lớn, bất thường, giao dịch phức tạp...
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các dữ liệu để phát hiện các giao dịch đáng ngờ, dấu hiệu phạm tội. Ngoài ra, đại biểu cho rằng dự thảo luật này nếu không quy định chặt chẽ thì đôi lúc sẽ tác động can thiệp cơ học và thậm chí là can thiệp không thuận lợi vào các giao dịch thương mại sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng trong việc kiểm soát các phương tiện thanh toán, vì vậy cần rà soát lại các quy định trong dự thảo luật chặt chẽ hơn.
Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, tại Điều 2 dự thảo quy định về đối tượng áp dụng, cần xem xét kết hợp quy định tại Khoản 1, Điều 8 (khái niệm tội phạm) và Điều 76 (quy định phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại gồm 33 tội danh) của Bộ luật Hình sự hiện hành để bổ sung cho tương thích với Luật Phòng, chống rửa tiền. Tại Điều 3 dự thảo về giải thích từ ngữ, đề nghị bổ sung giải thích cụm từ “người nước ngoài”.
Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi góp ý dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: QH |
Về dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng quy định tại Điều 28 dự thảo, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 như sau: “Các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ, dưới mức phải báo cáo từ nhiều tài khoản khác nhau mà do cùng hoặc không cùng các chủ tài khoản đứng tên về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn hoặc lặp lại theo quy luật về thời điểm hoặc chu kỳ về thời gian; tiền được chuyển qua nhiều tài khoản mà do cùng hoặc không cùng các chủ tài khoản đứng tên; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo”.
Lý giải điều này, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, đây là biện pháp, kinh nghiệm rất hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền và tội phạm nguồn của tội rửa tiền của các nước tiên tiến.
Về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định tại Điều 49, Điều 50 của dự thảo Luật, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 49 và bổ sung thêm 1 khoản mới vào Điều 50 với nội dung: “Thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; thông báo kết quả xử lý có liên quan cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” để phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành và các luật liên quan khác.
DCH - H.ANH