(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 25/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
[links()]
Tham gia thảo luận, Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ cơ bản thống nhất cao với dự thảo luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Góp ý đối với nhóm quy định về Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, đại biểu Lương Văn Hùng cho biết, dự thảo luật chưa quy định cụ thể BHXH Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra. Qua tiếp xúc cử tri và ghi nhận ý kiến các cơ quan, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị bổ sung quy định cơ quan thanh tra trong cơ quan BHXH; đồng thời bổ sung quy định việc tổ chức hoạt động và nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành tại trung ương và địa phương của cơ quan BHXH do Chính phủ quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. |
Đại biểu Lương Văn Hùng đã góp ý cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh; vị trí, chức năng của Thanh tra Sở. Đại biểu bày tỏ thống nhất với dự thảo luật và đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp không thành lập Thanh tra Sở, thì phải quy định chức năng xử lý các vấn đề thanh tra cho phù hợp với Điều 32 của Luật Tố cáo, Điều 10 Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị bổ sung trong dự thảo luật về miễn nhiệm thanh tra viên; đề nghị làm rõ mức độ tác động của việc quy định thời hạn thanh tra viên không hoàn thành nhiệm vụ bị bãi nhiệm là một năm không hoàn thành nhiệm vụ; đề nghị rà soát quy định về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, làm rõ trách nhiệm của Thanh tra tỉnh trong việc tổng hợp kế hoạch thanh tra... Ngoài ra, đại biểu Lương Văn Hùng cũng đề nghị điều chỉnh lại cho phù hợp với thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo đúng tinh thần của Luật Khiếu nại.
Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, tham gia thảo luận. Ảnh: QH |
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với tinh thần dân chủ, khẩn trương, nghiêm túc, Phiên thảo luận đã có 23 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 1 ý kiến tranh luận, còn 5 đại biểu chưa phát biểu vì hết thời gian, đề nghị các đại biểu gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, báo cáo Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua các ý kiến phát biểu của Quốc hội cho thấy, về cơ bản các vị ĐBQH tán thành với nhiều nội dung cơ bản trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội kỳ họp này.
Đồng thời, ý kiến của các vị ĐBQH cũng đã phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung, thể hiện sự nghiên cứu rất cụ thể, sâu sắc, bày tỏ rõ quan điểm, góp ý cụ thể, trí tuệ, thẳng thắn vào nhiều nội dung, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, sự phù hợp của tổ chức và hoạt động của hệ thống thanh tra với yêu cầu thực tiễn đổi mới và đáp ứng tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật...
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổng Thư ký Quốc hội cần tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận bằng văn và ý kiến bằng văn bản của các vị ĐBQH. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua vào cuối kỳ họp này.
ĐCH