(Baoquangngai.vn)- Sáng 30/8, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản luật, gồm: Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Cả 3 luật này đều được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV.
[links()]
Trước đây, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực cảnh sát cơ động là pháp lệnh (Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013), nên chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động. Trong khi đó, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Việc xây dựng, ban hành và triển khai Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định có liên quan của Hiến pháp; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng; khắc phục một số bất cập, hạn chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của cảnh sát cơ động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, với 5 chương và 33 điều.
Giám đốc Sở Tư pháp Tôn Long Hiếu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Luật Điện ảnh năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là luật đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật được ban hành. Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện, bên cạnh việc phát huy những điểm tích cực, mang lại hiệu quả cho sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà, luật này vẫn còn nhiều thiết sót, bất cập. Để đảm bảo phù hợp với các luật hiện hành của Việt Nam, các cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan và thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh, Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh năm 2022. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Luật có 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với trước đây.
Đại biểu tham dự hội nghị. |
Đối với vấn đề sở hữu trí tuệ, Quốc hội đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2005. Sau đó, luật này được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019, phát huy được vai trò trong việc tạo hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, luật cũng còn tồn tại những vướng mắc, bất cập. Việc tiếp tục sửa đổi luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực thi, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng với thế giới, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, ngoại trừ đối với quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022; quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2024.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp Tôn Long Hiếu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đề nghị các thành viên của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh; cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các huyện, thị xã, thành phố cần tích cực triển khai các văn bản này tại cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức phù hợp. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong toàn tỉnh nắm vững, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tin, ảnh:
GIA NGHI