(Báo Quảng Ngãi)- Cục Hàng không dân dụng Việt Nam vừa có quyết định cấm bay trong thời gian 6 tháng, bắt đầu từ ngày 17/8 vừa qua, đối với nữ hành khách tạo dáng tại bãi đỗ của sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) để quay Tik Tok. Trước đó, ngày 18/5, khi xe bus của sân bay đưa khách ra sân đỗ để lên máy bay thì bất ngờ nữ hành khách này lao ra khỏi xe bus và tạo dáng để ghi hình, bất chấp an toàn bay theo quy định của ngành hàng không.
Hôm 23/7, một nữ hành khách khác, trên chuyến bay từ Phú Quốc về TP.Hồ Chí Minh đã đứng trên băng chuyền hành lý để ghi hình. Theo ngành hàng không, băng chuyền hành lý chỉ có thể chịu trọng tải 30kg cho mỗi kiện hàng, nên việc đứng trên băng chuyền như thế sẽ làm hỏng thiết bị. Vả lại, quy định của ngành hàng không là nghiêm cấm hành khách đứng trên băng chuyền, vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hành khách này sau khi ghi hình liền đưa lên Tik Tok với dòng trạng thái “Bất kể đời lạc trôi”, gây bão mạng trong nhiều ngày liền.
Mới đây, hôm 11/8, lại một nữ hành khách nữa cũng đã nhảy lên băng chuyền hành lý tại sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) để ghi hình đưa lên Tik Tok. Cục Hàng không phối hợp với an ninh sân bay đang xác minh danh tính của nữ hành khách này để có mức xử phạt thích đáng. Mức phạt “cấm bay” là điều khó tránh khỏi.
Nếu như “tự sướng” ở các sân bay như những trường hợp vừa nêu chỉ “đe dọa an toàn”, thì “tự sướng” ở các điểm du lịch của du khách đã gây hậu quả nhãn tiền.
Hôm 8/8, tại suối Mường Hoa, chảy qua thôn Tà Chải Mông, xã Tả Van, TX.Sa Pa (Lào Cai), nhóm du khách 4 người đã ra khu vực suối để chụp ảnh “tự sướng”. Trong quá trình “tác nghiệp”, một nam du khách đã bị trượt chân ngã xuống suối và nước cuốn trôi. Thấy vậy, vợ của du khách này lao theo để cứu chồng. Cả 2 đã bị nước cuốn trôi về phía hạ lưu. Người vợ may mắn bám vào cây nên thoát chết, còn người chồng thì vĩnh viễn ra đi.
Ở các điểm du lịch, cảnh du khách thi nhau “tự sướng” ở những vị trí đắc địa vô cùng nhiều. Cũng không có gì phải trách những du khách muốn lưu lại một vài kiểu ảnh rồi úp lên Facebook để làm kỷ niệm, nếu như những điểm chụp ảnh đó không quá nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của họ hoặc quá nhạy cảm, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục hoặc vi phạm các điều cấm.
Những vách đá cheo leo bên bờ biển, những cây cầu khỉ qua các suối sâu, những ngọn cây cao... là những vị trí ưa thích của những du khách lấy “sống ảo” làm niềm vui.
Thật đáng tiếc, không ít du khách vì muốn nổi tiếng hoặc tạo sự tò mò của bạn bè trên Facebook, đã bất chấp các quy định của pháp luật hoặc thuần phong mỹ tục. Leo lên cổng Tò Vò ở đảo Lý Sơn hàng chục người để chụp ảnh bất chấp danh thắng này có thể sập bất cứ lúc nào. Chính quyền khuyến cáo rồi cấm, nhưng du khách vẫn không tuân thủ, cứ đến Lý Sơn là phải lưu lại vài kiểu ảnh ở cổng Tò Vò.
Mạng xã hội với nhiều hình thái thay đổi liên tục, một mặt giúp con người mở rộng các mối quan hệ giao lưu, có thêm nhiều bạn bè, nhưng cũng có thể đưa con người phạm pháp nếu không tỉnh táo. Cần hết sức thận trọng khi “tự sướng” bằng một vài kiểu ảnh, hoặc dăm ba giây clip để rồi nhận hậu quả đáng tiếc.
TRẦN ĐĂNG