(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận tổ vào chiều 24/5, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy và Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh, đã tham gia thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
[links()]
Tập trung thực hiện hoàn thành đường Hồ Chí Minh
Thảo luận việc đầu tư dự án Đường Hồ Chí Minh, đại biểu Đặng Ngọc Huy nhìn nhận, đường Hồ Chí Minh, có điểm đầu ở Pác Bó (Cao Bằng) và điểm cuối ở Đất Mũi (Cà Mau), là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xóa đói, giảm nghèo. Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2004, thời hạn thông tuyến từ năm 2010 (Nghị quyết số 38/2004/QH11), cũng như điều chỉnh thời gian đến năm 2020 (Nghị quyết số 66/2013/QH13).
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy (hàng đầu, thứ hai bên phải) tham dự Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. |
Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa đạt yêu cầu thông toàn tuyến quy mô 2 làn xe. Đến hết năm 2020 còn 6 đoạn, với 279km chưa triển khai. Hiện mới cân đối bố trí vốn cho 3 đoạn, với 108km, mục tiêu hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Như vậy, vẫn còn 171km chưa thực hiện. Nguyên nhân việc thực hiện dự án chưa đạt mục tiêu đề ra là do gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn; giải phóng mặt bằng, di dân; chuyển đổi phương thức đầu tư...
Vì vậy, đại biểu Đặng Ngọc Huy kiến nghị, để tiếp tục triển khai dự án Đường Hồ Chí Minh, trung ương cần bố trí vốn cho 171km còn lại mà vẫn bố trí vốn cho các dự án khác; tập trung nguồn lực để thực hiện; chỉ đạo quyết liệt như dự án Cao tốc Bắc - Nam phía đông; đề ra thời hạn thông xe toàn tuyến, chậm nhất là đến năm 2025. Đồng thời, đưa tổng kết Nghị quyết số 66/2013/QH13 vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
|
Các đại biểu Quốc hội tham gia họp tổ vào chiều 24/5. |
Khánh Hòa cần cơ chế đặc thù để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Lương Văn Hùng thống nhất Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này để xem xét dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, thực hiện các bước đột phá để trở thành đô thị hạt nhân, đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Đồng thời, hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về việc xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
|
Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng phát biểu thảo luận tại tổ. |
Về các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Lương Văn Hùng tán thành các cơ chế, chính sách về quản lý quy hoạch, thu hút đầu tư trong KKT Vân Phong. Đồng thời, đề nghị xem xét quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa cần tương xứng với các chính sách, cơ chế đặc thù đã áp dụng đối với một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng và Cần Thơ (đã được Quốc hội cho phép thí điểm và bước đầu phát huy hiệu quả) để áp dụng phù hợp.
Cụ thể, đối với chính sách quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, tỷ lệ ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Khánh Hòa trong dự thảo Nghị quyết thấp hơn chính sách đặc thù dành cho TP.Đà Nẵng. Vì vậy, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị, tỉnh Khánh Hòa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại, với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.
Tỉnh Khánh Hòa được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 (không áp dụng quy định phân bổ thêm định mức chi thường xuyên theo định mức dân số đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương theo Khoản 16, Điều 5 Nghị quyết số 01/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) khi xây dựng dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.
Đối với quản lý đất đai, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị nêu rõ trong dự thảo Nghị quyết thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh: “Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên, với quy mô dưới 500ha, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định”, để bảo đảm tính khả thi sau khi ban hành (tương tự như quy định cho TP.Hải Phòng).
Bài, ảnh:
CẨM BÌNH
(từ Hà Nội)