(Baoquangngai.vn)- Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh vừa ban hành công điện về việc ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có thể mạnh lên thành bão và mưa lũ trên địa bàn.
[links()]
Theo bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, hồi 4 giờ ngày 23/9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên khoảng 330 km, cách bờ biển Bình Định khoảng 340 km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 560km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Do ảnh hưởng của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão nên ở vùng biển phía Tây khu vực giữa biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10;
Từ chiều 23/9, vùng biển tỉnh Quảng Ngãi gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7 sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh, vùng ven biển có gió mạnh dần lên cấp 5, cấp 6, giật cấp 7-8. Từ trưa 23/9, khu vực tỉnh khả năng có mưa to đến rất to.
Cấm tất cả tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 11 giờ ngày 23/9. |
Thống kê đầy đủ, cụ thể thông tin của các tàu thuyền đang ở khu vực nguy hiểm của ATNĐ, gửi về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh trong các báo cáo nhanh hằng ngày để theo dõi, chỉ đạo.
Tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các khu neo đậu. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn.
Các huyện, thị xã, thành phố ven biển, nhất là các xã ven biển thuộc huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Lý Sơn, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi thông báo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chủ động chằng chống, gia cố nhà ở, trụ sở, nhà xưởng để đảm bảo an toàn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa từ bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn và phần mềm do mưa tự động đã được cung cấp để thông tin, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó.
Tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét để có biện pháp di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn theo phương án đã được phê duyệt, nhất là các khu vực đã bị sạt lở.
Khẩn trương thông báo, hướng dẫn nhân dân các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Chủ đầu tư các các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình trên biển, sông, suối chủ động tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình, người lao động và thu dọn các vật cản trên sông, suối để đảm bảo thoát lũ.
Thường xuyên cung cấp, đăng tải thông tin về tình hình diễn biến ATNĐ, bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động các biện pháp ứng phó. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.
Trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống ATNĐ và mưa lớn, yêu cầu các địa phương, đơn vị tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo.
PV