Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11

10:12, 03/12/2020
.
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020 diễn ra chiều 2/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết trong tháng 11 và 11 tháng năm 2020, tình hình kinh tế xã hội chuyển biến tích cực với nhiều điểm sáng. 
[links()]
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: VGP
Buổi họp báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành.
 
Tại buổi họp báo, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Ngày 2/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 11/2020.
 
Một trong những vấn đề đang được báo chí và người dân rất quan tâm hiện nay là các ca nhiễm COVID-19 tại TPHCM. Phải khẳng định rằng các giải pháp mà chúng ta triển khai những ngày qua không phải là việc “mất bò mới lo làm chuồng”, chúng ta cũng không bất ngờ với các ca nhiễm này trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới như hiện nay. 
 
Trong suốt những tháng qua, chúng ta đã liên tục kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, trong tất cả các hội nghị của Chính phủ đều quán triệt tinh thần cảnh giác chủ động phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép. Tinh thần lớn mà Thủ tướng đã chỉ đạo là kiểm soát chặt chẽ ngay từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả, trách nhiệm với người mắc bệnh. Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng đã phản ứng kịp thời, triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng. Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch bệnh, sớm công bố kết quả với công luận. 
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất đánh giá, tình hình KTXH tháng 11/2020 tiếp tục có sự cải thiện hơn so với các tháng trước.
 
Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc; nhất là ngành chế biến, chế tạo tháng 11/2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ (IIP toàn ngành tăng 9,2%). Tuy nhiên, IIP 11 tháng chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%).
 
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước chuyển biến tích cực; năng suất lúa mùa tăng 0,5 tạ/ha; chăn nuôi ổn định; sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh (tăng 9,9% so với cùng kỳ); nuôi trồng thủy sản tăng khá (giá nguyên liệu cá tra, tôm tăng do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh vào dịp cuối năm). Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi hiện nay đang diễn biến phức tạp (còn 318 xã của 29 địa phương vẫn còn dịch).
 
Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tiếp tục xu hướng phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 2% so với cùng kỳ.
 
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 0,08% so với tháng 12/2019 và tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước.
 
Thị trường tiền tệ, tỉ giá và mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục ổn định. Đến ngày 24/11, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,31% so với cuối năm 2019, huy động vốn tăng 10,65%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,93% so với cuối năm 2019.
 
Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, tiếp tục tăng điểm. Chỉ số VN-INDEX đã vượt 1.000 điểm. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4.777 nghìn tỷ đồng, tương đương 79,1% GDP, tăng 9% so với cuối năm 2019.
 
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực. Trong tháng, doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,7% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 59,8%; số vốn đăng ký thành lập mới tăng 103,5% so với cùng kỳ.
 
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu ở mức kỷ lục là 20,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%, trong đó chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất (ước tính đạt 218,8 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu). Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy tình hình sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ.
 
Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; 11 tháng năm 2020 giải ngân đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ (mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020).
 
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế sôi động, đạt nhiều kết quả quan trọng, hình ảnh và uy tín của Việt Nam được nâng cao. Với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan thành công tốt đẹp (trên 20 cuộc họp cấp cao, hơn 80 văn kiện được ghi nhận, công bố và thông qua, đây là số lượng văn kiện kỷ lục). Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 diễn ra tại Hà Nội đã thảo luận, bàn bạc những vấn đề hết sức thiết thực; đặc biệt là sự kiện ký kết Hiệp định RCEP, tạo khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Cũng trong tháng 11/2020, chúng ta tham dự Hội nghị Cấp cao APEC; thảo luận nhiều nội dung quan trọng đối với thế giới và khu vực. 
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Cũng trong tháng 11, có rất nhiều sự kiện quan trọng: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ và nhiều thành viên Chính phủ đã trực tiếp giải trình, trả lời chất vấn. Đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả phát triển KTXH trong bối cảnh dịch COVID-19; tạo không khí phấn khởi trong xã hội; niềm tin của nhân dân vào Đảng, Chính phủ được nâng lên, vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao. Quốc hội đã thông qua nhiều luật, ban hành nghị quyết và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về KTXH, tài chính - NSNN, chương trình mục tiêu quốc gia.
 
Trong tháng 11 vừa qua, chúng ta tập trung khắc phục hậu quả nặng nề của các cơn bão đã đổ bộ vào nước ta; chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân, tiếp tục tìm kiếm những người còn mất tích... Thủ tướng, Phó Thủ tướng trực tiếp đến các vùng bị ảnh hưởng xem xét, chỉ đạo xử lý. Đã xuất cấp gần 16.000 tấn gạo và gần 1.300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương.
 
Tuy nhiên, nhiều vấn đề phát sinh mà chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa trong thời gian tới, như: giáo dục (sách giáo khoa tiểu học mới vẫn chưa thực sự được hoàn thiện); y tế (dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng tiếp tục có chiều hướng gia tăng); an ninh trật tự diễn biến phức tạp (buôn bán ma túy; tội phạm có tổ chức...); an toàn giao thông (vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng). 
Quang cảnh họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quang cảnh họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; kiên quyết không lùi bước trước dịch bệnh, khó khăn, thách thức; phải biến "nguy cơ" thành "thời cơ" phát triển; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2020 của cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương.
 
Nhiệm vụ đặt ra cho những ngày còn lại của năm 2020 là rất nặng nề, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao độ, nỗ lực, phấn đấu làm tốt hơn nữa. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan trong phòng chống dịch COVID-19; sát sao trong chỉ đạo điều hành thực hiện mục tiêu kép; chủ động theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước; nghiên cứu, phân tích kỹ xu hướng, tác động, ảnh hưởng để xây dựng đề xuất các giải pháp, đối sách hiệu quả, khả thi cả trong ngắn hạn, trung hạn, phù hợp với diễn biến, tình hình về dịch COVID-19 trong khu vực và trên thế giới.
 
Đặc biệt, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến 3 sáng kiến. Thứ nhất, Thủ tướng đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề án, chính sách cụ thể để triển khai, “giống thế nào, trồng cây rễ sâu thay cho cây rễ cạn như thế nào, trồng cây gỗ lớn ra sao?” để vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.
 
Thứ hai, kích cầu tiêu dùng nội địa bằng sáng kiến mới là đưa hàng nông thôn lên thành thị, phải đưa sản phẩm của bà con nông dân, nông thôn ra thành thị, để chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, giúp thúc đẩy sản lượng, công ăn việc làm và tăng trưởng ở vùng nông thôn.
 
Thứ ba, Thủ tướng đề nghị ngành y tế cân nhắc sớm có đề án cải cách chính sách bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 16 tuổi theo tinh thần Luật Trẻ em, trước mắt là đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.
 
Theo BT/Chinhphu.vn

.