(Báo Quảng Ngãi)- Vừa qua, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết, với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 5 đối tác gồm Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand. Đây là một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, với GDP gần 27.000 tỷ USD và có khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Tuy nhiên, khác với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, RCEP hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN nhiều hơn.
Trong bối cảnh các nền kinh tế bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19, RCEP thực thi sẽ góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Bởi lẽ, cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn khôi ASEAN. Điều này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, việc cắt giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm từ một số lĩnh vực như dệt may, giày dép và nông nghiệp... sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của Quảng Ngãi, nhất là những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ở lĩnh vực này.
Hiện nay, một số doanh nghiệp Quảng Ngãi có quan hệ xuất, nhập khẩu với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc... Vì thế, hiệp định này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Không những thế, với mục tiêu hình thành không gian sản xuất chung kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực, RCEP là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, cũng như góp phần tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Điều này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế được bộc lộ rõ từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Dĩ nhiên, khi RCEP có hiệu lực, sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong nước cũng sẽ gia tăng. Và điều này, một lần nữa đòi hỏi chúng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư. Song, sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng. Hơn ai hết, các doanh nghiệp cần sớm nắm bắt thông tin về hiệp định, cũng như thị trường các nước tham gia RCEP. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để tận dụng hiệu quả nguồn vốn, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Đặc biệt, nhanh chóng thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới.
Cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) được ký kết vào đầu năm 2020, RCEP được ký kết cho thấy Chính phủ luôn chủ động kiến tạo và đã kiến tạo thành công những thị trường lớn, đầy tiềm năng. Vấn đề là, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động nắm bắt cơ hội, để vươn lên trong một nền kinh tế thị trường luôn chuyển động mạnh mẽ.
LINH GIANG