Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác khắc phục sau bão tại Nghĩa Hành và Minh Long

08:11, 05/11/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Chiều 4.11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã đi kiểm tra công tác khắc phục bão số 9 trên địa bàn huyện Nghĩa Hành và huyện Minh Long.
[links()]
Bão số 9 vừa qua đã khiến 16.629 ngôi nhà ở Nghĩa Hành bị hư hỏng, trong đó có 9 nhà bị sập hoàn toàn. 34 trụ sở, cơ quan bị hư hỏng. 37 trường học bị tốc mái, hư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nhiều tuyến đường bị xói lở. Ước tổng thiệt hại do bão gây ra ở Nghĩa Hành lên đến 556 tỷ đồng.
 
Ngay sau bão tan, huyện Nghĩa Hành đã huy động nhân lực để khắc phục các tuyến đường, các trường học để đảm bảo giao thông lưu thông và kịp thời cho công tác đón học sinh trở lại trường.
 
UBND huyện cũng đã tiếp nhận và cấp phát hàng cứu trợ từ nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh đến các gia đình bị thiệt hại nặng. Ước tính giá trị hàng cứu trợ và hỗ trợ nhà ở đến nay gần 2 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chỉ đạo thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra tại huyện Nghĩa Hành
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chỉ đạo thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra tại huyện Nghĩa Hành
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Nghĩa Hành đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho huyện để sớm khắc phục hậu quả do bão gây ra. Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh ghi nhận những nỗ lực khắc phục của huyện Nghĩa Hành sau bão số 9. Huyện đã tích cực vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung thực hiện công tác này. 
 
Thiệt hại trên địa bàn quá lớn, khả năng ngân sách huyện không thể bố trí khắc phục ngay. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Nghĩa Hành cần rà soát để xem xét nội dung, phần việc nào cấp bách cần làm trước thì huyện phải ưu tiên làm trước mà không chờ đến sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất hỗ trợ cho Nghĩa Hành số tiền 3 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để phục vụ công tác khắc phục sau bão.
 
*Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cũng đã đi kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở ở thôn Làng Tranh, xã Long Sơn, huyện Minh Long. Tại đây, sạt lở núi đang đe dọa đến 27 hộ dân/106 khẩu. UBND huyện đã vận động toàn bộ các hộ này di dời trú tạm tại điểm trường mẫu giáo Long Sơn thuộc thôn Gò Tranh để đảm bảo an toàn trước khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở núi tại thôn Làng Tranh, xã Long Sơn, huyện Minh Long
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở núi tại thôn Làng Tranh, xã Long Sơn, huyện Minh Long
Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Minh Long cho biết bão số 9 đã khiến gần 2.700 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng. Ngoài ra, còn gây ra nhiều thiệt hại lớn khác về giáo dục, y tế, nông, lâm nghiệp... với gần 100 công trình, trụ sở bị hư hỏng, gần 4 nghìn ha cây trồng bị ngã đổ. Tổng thiệt hại ước tính hơn 140,7 tỷ đồng.
 
Để ứng phó với bão số 10 sắp tới, huyện Minh Long đã di dời khẩn cấp 136 hộ dân/454 nhân khẩu thuộc các xã Long Sơn, Long Mai và Long Môn đến nơi kiên cố hơn.
 
Chỉ đạo sau khi đi kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh yêu cầu huyện Minh Long tích cực hỗ trợ người dân khắc phục nhà cửa, nhất là những gia đình có nhà bị đổ sập hoàn toàn. Đồng thời, huy động lực lượng hỗ trợ khắc phục trường học, cơ sở y tế và xử lý môi trường. Các vấn đề này cần phải thực hiện ngay để sớm giúp người dân ổn định lại cuộc sống. Thống nhất hỗ trợ ban đầu cho huyện Minh Long số tiền 2 tỷ đồng để khắc phục các thiệt hại sau bão trên địa bàn.
Thăm hỏi, động viên 27 hộ dân thôn Gò Tranh đang di dời khẩn cấp đến ở tạm tại điểm trường mẫu giáo xã Long Sơn
Thăm hỏi, động viên 27 hộ dân thôn Gò Tranh đang di dời khẩn cấp đến ở tạm tại điểm trường mẫu giáo xã Long Sơn
Đối với tình trạng sạt lở núi ở Long Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý giao huyện khảo sát, chọn địa điểm phù hợp để lập kế hoạch xây dựng khu tái định cư mới cho 27 hộ dân nơi đây. Trên cơ sở này, UBND tỉnh sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn để triển khai xây dựng, nhằm giúp bà con có chỗ ở mới ổn định hơn. 
 
Với công tác di dời dân khẩn cấp để ứng phó với bão số 10, địa phương phải chú trọng đến khâu vệ sinh tại nơi ở tạm, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân trong thời gian lưu trú. Đồng thời, phải nhất quyết di dời hết các hộ dân ở các vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở. Không để tình trạng sạt lở ảnh hưởng tới tính mạng của người dân.
 
Tin, ảnh: Thanh Phương
 

.