Nhân vụ bò tót nhớ Anh hùng Hồ Giáo

10:10, 05/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gần 10 năm trước, một đồng nghiệp ở tỉnh Ninh Thuận có nói với tôi về “mối tình” giữa một con bò tót đực ở Vườn quốc gia Phước Bình với đàn bò cái của đồng bào Raglay ở vùng này. Anh hẹn tôi vào một dịp thuận tiện, cả hai sẽ cùng lên đó mục sở thị.
Thế rồi dự định chưa thực hiện được, thì con bò tót hiếm hoi ấy đã chết. Rất may, nó đã kịp để lại một đàn bê lai trên 20 con, với những đặc điểm rất giống bò bố. Thông tin quý như vàng ấy đã đến với những cán bộ “nghiên cứu khoa học” thuộc hai Sở KH&CN Lâm Đồng và Ninh Thuận - nơi có Vườn quốc gia Phước Bình. Lập tức một đề tài “nghiên cứu khoa học” nhằm bảo vệ nguồn gien quý hiếm về loài động vật sắp tuyệt chủng này được đệ trình lên cấp có thẩm quyền. Năm tỷ đồng là số tiền phục vụ cho việc nghiên cứu của đề tài này.
 
Những tưởng nguồn gien quý hiếm ấy sẽ được bảo vệ và nhân rộng, thế nhưng những gì mà báo chí phản ánh trong những ngày qua đã nói lên rằng, ngày diệt vong của đàn bò không còn bao lâu nữa nếu tiếp tục giam hãm chúng trong tù ngục như 6 năm qua.
 
Nhìn những con bò tót chỉ còn trơ bộ xương, tất cả những ai có chút lương tri đều không khỏi chạnh lòng. Tại sao từ những con bò tót F1 vạm vỡ là thế, sau 6 năm làm đối tượng cho việc “nghiên cứu khoa học”, giờ ra nông nỗi này? Tất cả chỉ có thể lý giải rằng, đó là kết quả của sự vô cảm từ những người nhân danh “nghiên cứu khoa học” mà ra.
 
Những bộ xương di động ấy gợi nhớ đến hình ảnh tận tâm của một người nuôi trâu giờ đã về miền mây trắng. Những ai từng sống ở Quảng Ngãi đầu những năm 2000 hẳn còn nhớ đến hình ảnh của một cụ già, luôn mặc bộ quân phục đã cũ, suốt ngày quần quật với việc nuôi trâu ở trại trâu Nghĩa Hành. Đó là Anh hùng Lao động Hồ Giáo, người mà mỗi khi nhắc đến, lòng ta lại rộn lên một niềm thương cảm vô bờ về sự tận hiến của ông.
 
Năm 1990, ông Giáo về hưu mang theo gần 20 con trâu Mura từ Sông Bé. Đây là món quà mà Thủ tướng Ấn Độ đã tặng cho Việt Nam thông qua Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sứ mạng của ông Hồ Giáo là nuôi đàn trâu này để nhân giống ra trong các hộ dân. Chẳng phải đề tài nghiên cứu khoa học gì, nhiệm vụ của ông Hồ Giáo là duy trì một cách tốt nhất đàn trâu Mura ấy. Và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao dù mỗi tháng chỉ được nhận 300 nghìn đồng “thù lao” hết sức tượng trưng. Thế mà đàn trâu vẫn cứ béo tròn béo trục. Ông Giáo đã xem chúng như những đứa con ruột thịt của mình. Đàn trâu cũng coi ông như một người bạn thân thiết, để mỗi khi ông đi đâu xa về, chúng ùa ra vây lấy ông như mừng mẹ đi chợ về. Phải có một tình yêu thương hết mực, vừa tận tâm, vừa tận lực với con vật như thế nào thì chúng mới đáp đền bằng những tình cảm như thế.
 
Tôi cứ ao ước, giá đàn bò tót ấy được những người như ông Hồ Giáo chăm sóc thì sẽ không đến nỗi thê lương đến thế. Nghiên cứu khoa học hay nhân danh bất cứ những gì đẹp đẽ đi nữa, thì việc trước tiên anh phải là người biết đau trước sự mất mát. Đàn bò tót đang héo mòn là tiêu biểu cho sự mất mát ấy.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.