Nghĩ từ đại dịch Covid-19

09:09, 02/09/2020
.
Thanh Thảo
 
(Baoquangngai.vn)- Không chỉ tàn hại ở bề sâu và trên diện rộng, dịch Covid-19 còn soi rõ những phẩm chất tốt đẹp Việt Nam còn tiềm ẩn. Và làm hiện rõ những điều xấu xa còn dấu giếm.
Không có Covid-19 thì chính phủ không tự nhiên vét ngân sách đưa ra gói cứu trợ “khủng” là 62 nghìn tỉ đồng cho những đối tượng cần cứu trợ. Đối với quốc gia, đó là một nghĩa cử cực lớn hướng về người dân. Điều tốt đẹp ấy ai cũng thấy, và không phải quốc gia đang phát triển nào cũng làm được.
 
Nhưng quá trình đưa 62 nghìn tỉ ấy về cho những đối tượng trong nhân dân cần được trợ giúp, lại lộ ra những chuyện tuy không quá lớn nhưng rất tệ hại. Đó là tiền cứu trợ có một phần không đến đúng địa chỉ. Chuyện này không mới, nhưng ở “thời Covid-19” thì lộ ra khá nhanh. Và dư luận xã hội cũng phản ứng rất nhanh, rất mạnh, đó là những phản ứng của dân trí đã thức tỉnh.
 
Dịch bệnh tác động đến mọi tầng lớp xã hội, cả người nghèo lẫn người giàu. Người nghèo, dĩ nhiên chịu tác động khốc liệt hơn, còn người giàu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng cách ứng xử của người Việt Nam, cả người nghèo lẫn người giàu, đối với những nạn nhân của dịch bệnh, là rất đáng cảm phục, rất đáng được tôn vinh. Dù những người lặng lẽ làm những điều tốt đẹp cho đồng bào mình, không ai yêu cầu được tôn vinh cả.
 
Nhưng trong khi rất nhiều người Việt nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ từ người bị nạn tới người khó nghèo, trong khi những sự quyên góp vì nghĩa đồng bào, tình dân tộc được thực hiện khắp nơi trong nước, trong khi những “chiến binh trên tuyến đầu chống dịch” không ngại hy sinh gian khổ, chống dịch như chống giặc, thì lại có những quan chức “thầm lặng ăn vào dịch bệnh”. Từ chuyện kê khống giá các loại thiết bị y tế, kê khống vật tư y tế, đến việc tìm cách cho con cháu mình được hưởng ưu tiên ưu đãi trong các chuyến bay cứu trợ từ nước ngoài về, rồi tìm cách trốn tránh cách ly, tìm cách hưởng thụ cá nhân trong cách ly giữa những đồng bào mình đang chịu đựng và tuân thủ kỷ luật chống dịch. 
 
Giữa lúc cả nước đang căng mình chống dịch, cả nước đang chịu khó chịu khổ và tự hào mình là công dân Việt Nam, thì có người đang là quan chức nhà nước hẳn hoi, đang là đại biểu quốc hội hẳn hoi, đại diện cho dân Việt hẳn hoi, lại lòi ra có quốc tịch thứ hai từ đảo Síp xa xôi. Cái quốc tịch ấy có thể cho phép mình thoát khỏi đất nước cha sinh mẹ đẻ bất cứ lúc nào, để an hưởng bất cứ thứ gì khi làm quan chức cho đất nước mình đã vơ vét được. Covid-19 đã và đang làm lộ rõ những kẻ “hai mang” này, những kẻ chỉ biết trục lợi từ đất nước để giành vinh hoa phú quí cho cá nhân và gia đình mình.
 
Covid-19 làm lộ rõ, tô đậm những mặt đối lập, đen trắng hiện ra minh bạch trước hơn 90 triệu người dân Việt. Không phải là công của virus corona, nhưng sự khách quan tàn nhẫn của nó phơi bày cả mặt sáng và mặt tối của cả một xã hội. 
 
Dich bệnh, tai họa đã khiến người Việt Nam sát cánh với nhau, “bầu ơi thương lấy bí cùng” với nhau, phát lộ tinh thần nhân ái trong mỗi hành động sống, và đó chính là văn hóa Việt, có từ ngàn năm trước, nhưng tỏa sáng đẹp đẽ trong thời đương đại này.
 
Ngay trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm nay, giữa dịch bệnh đe dọa, đã có hai học sinh con nhà nghèo, ở hai miền đất nước cùng đạt điểm 10 tối đa môn ngữ văn. Hai điểm 10 ấy đều là kết quả của bài viết về tình yêu đất nước Việt Nam, sự cảm nhận sâu sắc khi phân tích bài thơ Đất nước trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ yêu nước Nguyễn Khoa Điềm.
 
Khát vọng Việt, tài năng Việt thời nào cũng có, cả trong thời dịch bệnh. Và, nó lại còn chói sáng hơn bất chấp sự đe dọa của dịch bệnh và nhiều nguy cơ khác.
 
Đó là sức mạnh của truyền thống Việt Nam, sự khác biệt của văn hóa Việt Nam, lặng lẽ mà bất diệt./.          

.