(Báo Quảng Ngãi)- “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em” là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2020. Tháng hành động vì trẻ em năm nay được triển khai đúng vào thời điểm Quốc hội thực hiện chuyên đề giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Điều này cho thấy, việc xâm hại trẻ em hiện nay đang hết sức nhức nhối.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1.1.2015 - 30.6.2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại. Riêng năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến và đau xót là số vụ xâm hại tình dục chiếm 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Nhưng đây cũng chỉ là những con số thống kê được, còn những vụ việc chưa được phát giác hẳn sẽ không ít. Và “di chứng” của hành vi xâm hại này sẽ âm ỉ trong suốt cuộc đời của những trẻ em không may bị xâm hại.
Một điều đáng nói nữa là, tình hình xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều nơi. Đối tượng xâm hại trẻ em thì rất đa dạng, không chỉ người lạ mà ngay cả những người thân thích, ruột thịt của trẻ em...
Hiện nay, nước ta đã có hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ trẻ em, trong đó có những chế tài nghiêm khắc về hình sự và hành chính. Dẫu vậy, số vụ xâm hại trẻ em không những không giảm mà lại có chiều hướng gia tăng. Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Thị Thu Trang cho biết, nhiều hành vi xâm hại để lại hậu quả nặng nề, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình. Do đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em cần phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả.
Một ý kiến của một đại biểu Quốc hội khác thì cho rằng, chỉ cần thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành thì công tác phòng, chống bạo lực trẻ em đã có thể tốt hơn rất nhiều. Bởi thực tế thời gian qua, việc giải quyết một số vụ xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa nghiêm, một số trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm...
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, đồng thời xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, với phương châm "đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm". Chỉ khi nào, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em mới tạo sự răn đe, phòng ngừa chung. Và vì thế, hãy hành động vì trẻ em.
HOÀNG HÀ