Chiều 25/5, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đa số đại biểu tán thành và nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nghị quyết này nhằm hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nông thôn phát triển.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội về Tờ trình của Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cần thiết ban hành nghị quyết về tiếp tục miễn thuế đất nông nghiệp
Báo cáo trước Quốc hội, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chobiết: Trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) như quy định hiện hành là cần thiết bởi sẽ tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần hỗ trợ tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, xây dựng nông thôn mới; phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN: Kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế SDĐNN theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết số 28/2016/QH14 đến hết ngày 31/12/2025.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, qua tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm. Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; góp phần khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo thêm việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
“Việc ban hành dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN trong thời hạn 5 năm (từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2025) là phù hợp vì đây chỉ là thực hiện miễn thuế cho thời gian nhất định. Đối với giai đoạn từ 2026 trở về sau, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách thuế chung đối với bất động sản bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội và bảo đảm tính khả thi”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Về đối tượng được thụ hưởng, Chính phủ cho rằng các đối tượng được miễn thuế SDĐNN như hiện hành là phù hợp. Đồng thời sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ việc thu thuế đối với đất để hoang hóa khi nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung và khi nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến đất đai nói riêng.
Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách Nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp.
Thúc đẩy đầu tư vào “tam nông”, nâng cao giá trị nông-lâm-thuỷ sản
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) phân tích, hiện có 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có khoảng 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, 50% lĩnh vực nông nghiệp, 35% lĩnh vực thủy sản và 15% trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỉ lệ khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có 93% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
“Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế SDĐNN với nội dung kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN trong thời hạn 5 năm từ 01/01/2021 đến 31/12/2025 sẽ được các đại biểu Quốc hội ủng hộ, người dân, doanh nghiệp rất phấn khởi”, đại biểu Phương nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, điều này vừa thể chế đường lối của Đảng, thể hiện sự nhân văn của Nhà nước và có tác động tích cực thúc đẩy cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường cạnh tranh sản phẩm của nông nghiệp nước ta với sản phẩm nông nghiệp ở các nước trong khu vực.
Đánh giá cao việc miễn sắc thuế này góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn nhiều hơn, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, việc này sẽ góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Quan trọng hơn là tiếp tục nâng cao đời sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.
Theo Lê Sơn/Chinhphu.vn