Sáng 4/5, sinh viên, học sinh tại 63 tỉnh thành đi học trở lại sau đợt nghỉ dài tránh dịch. Nhiều địa phương cho học sinh học tuần trước. Cấp tiểu học, mầm non nhiều nơi vẫn nghỉ thêm một tuần.
Nhiều tỉnh thành cho học sinh tất cả các cấp đi học lại như Trà Vinh, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Quảng Trị,...
Một số tỉnh thành phân chia lịch học theo từng giai đoạn, trong đó ưu tiên học sinh cuối cấp đi học trước.
Chẳng hạn Hà Nội sẽ cho khối THCS, THPT đến trường vào ngày 4/5, các cấp còn lại là 11/5.
TP.HCM chỉ đón học sinh lớp 9 và 12 đến trường vào ngày 4/5. Các khối lớp còn lại sẽ được học trở lại tùy theo thời gian thành phố lên kế hoạch.
Hà Giang là địa phương cuối cùng thông báo thời gian cho học sinh đến trường trở lại. Theo đó, học sinh các cấp bắt đầu đi học từ ngày 4/5.
Học sinh tại một số địa phương đã vào học từ 1, 2 tuần trước. Song hôm nay (4/5) là ngày mà toàn bộ 63 tỉnh, thành có học sinh đến trường sau thời gian dịch bệnh Covid-19 |
Tuy nhiên học sinh thuộc xã Phố Là, thị trấn Phố Bảng, thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) sẽ trở lại học tập từ tuần sau.
Để chuẩn bị đón học sinh, các trường tiến hành vệ sinh, khử khuẩn, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Khi học sinh quay trở lại, tất cả trường không tổ chức bán trú, nội trú, tập trung vào công tác dạy và học nhằm ôn luyện kiến thức.
Các tỉnh thành rà soát và cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường cũng như lên các phương án bảo đảm sức khỏe cho giáo viên, học sinh, nhân viên… để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học tập sau thời gian nghỉ dài để phòng chống dịch Covid-19.
Trao đổi với báo chí trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, để học sinh an toàn, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 550/BGDĐT-GDTC, ngày 25/2/2020, về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học.
Trong đó, văn bản hướng dẫn chi tiết về trường học an toàn, về những quy việc học sinh phải làm trước, trong và sau khi đến trường:
Thứ nhất, trước khi đến trường, các em cần được đo nhiệt độ, đảm bảo cơ thể bình thường, không sốt.
Thứ hai, trường học phải có đủ nơi rửa tay, nước khử khuẩn cho học sinh.
Thứ ba, học sinh phải đeo khẩu trang, không nhất thiết là khẩu trang y tế, có thể là khẩu trang vải kháng khuẩn.
Thứ tư, nhà trường không tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm, tập thể, chào cờ diễn ra trong lớp học.
Thứ năm, đảm bảo giãn cách xã hội, học sinh phải đảm bảo khoảng cách ngồi 1,5 m và phải tách lớp học.
Trường hợp lớp học quá đông, nhà trường tách làm đôi hoặc hơn nữa, đảm bảo phòng học không quá 20 em.
Công tác kiểm soát tất cả đối tượng ra vào trường học được đặc biệt lưu ý, để đảm bảo môi trường trường học phải an toàn, không ai có biểu hiện nghi ngờ về sức khỏe hoặc từng tiếp xúc với người nhiễm/nghi nhiễm, hoặc đi tới vùng dịch trong 14 ngày.
Các trường học cần vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn để bảo đảm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm từ môi trường, lớp học và các phương tiện được giáo viên, học sinh sử dụng trong quá trình dạy và học.
“Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trường học. Để làm được điều này thì ngoài trách nhiệm và sự nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ ngành giáo dục, các nhà trường, bản thân các em cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Đặc biệt, không được để dù một học sinh bị lây nhiễm bệnh từ trường học”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói và yêu cầu ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn phòng chống dịch.
Theo Dân trí