(Báo Quảng Ngãi)- Nếu đây là cuộc điều tra để có số liệu về những gia đình đang gặp khó khăn trong dịch Covid-19 thì câu hỏi trên sẽ không khó để tìm ra câu trả lời. Nhưng câu hỏi ấy lại đặt ngay trước những gói quà từ thiện, trước các “cây ATM gạo” nên người đang gặp khó khăn thật sự và người “giả vờ khó” rất khó xác định. Vì vậy, rất cần sự tự giác, đúng hơn là cần sự tự trọng của mỗi người để hành xử sao cho đúng mực trước những món quà từ những nhà hảo tâm muốn chia sẻ khó khăn với những đồng bào đang gặp khó thật sự.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Nếu bạn khó khăn cứ lấy một phần”. Lòng hào hiệp của các nhà hảo tâm cũng đã đưa ra điều kiện nhưng đây là một dạng điều kiện hoàn toàn không mang tính bắt chẹt mà đòi hòi sự thành tâm của người nhận quà. Điều kiện ở đây là “nếu bạn khó khăn”, còn bạn không khó khăn hoặc chưa đến mức khó thì hãy nhường phần quà kia cho người khác đang gặp khó khăn hơn bạn. Thông tin ấy rất rõ ràng, chỉ có thể hiểu một nghĩa chứ không đánh đố, không phải hiểu sao cũng được.
Phải lòng vòng chung quanh câu chuyện nhận quà trong những ngày dịch Covid-19 này như thế để nói lên một điều rằng, tình nghĩa là một khái niệm không thể đong đếm nhưng nó lại nghiệm thu rất chính xác về cách hành xử của mỗi người khi tiếp nhận nó. Tình trạng chụp giật hoặc vơ vét không bỏ sót một thứ gì của một số người tại các điểm phát quà trong những ngày qua đã nói lên điều đó.
Nếu bạn khó khăn thì cứ lấy một phần chứ không phải lấy hai - ba phần, vì còn những người khác khó khăn như bạn hoặc có thể khó khăn hơn bạn. Thế thì tại sao trong khi phía sau mình còn rất nhiều người đang chờ tới phiên mà mình lại lấy hơn một phần quà, tức mình tước đoạt cơ hội vượt khó của người khác? Chỉ một chuyện nhận quà từ thiện thôi nhưng nó đã làm lộ sáng bao nhiêu khoảng tối về lòng tham của không ít người.
Từ một “cây ATM gạo” xuất hiện tại TP.Hồ Chí Minh cách đây không lâu, đến nay, hàng loạt “cây ATM gạo” tương tự đã có mặt ở rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Lòng tốt nhanh chóng được lan tỏa trong cộng đồng. Những người đồng bào của chúng ta đang gặp khó khăn trong những ngày “cách ly xã hội” lại có điều kiện để vượt qua giai đoạn thắt ngặt này bằng những cân gạo, gói mì tình nghĩa ấy.
Chưa lúc nào mà truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt lại được thể hiện một cách đáng yêu như thế trong những ngày dịch bệnh này. Không chỉ đối xử tốt với đồng bào mình, người Việt còn mở lòng ra để chia khó với người nước ngoài đang gặp khó tại nước ta. Bên cạnh việc nâng niu, quý trọng sự hào hiệp vô tư ấy của người Việt, chúng ta cũng cần phê phán những thói hư, tật xấu mà một số người đã thể hiện trong lúc nhận quà thời gian qua.
Mỗi người Việt Nam tự đưa ra câu trả lời trước câu hỏi “bạn có khó khăn không?” để có cách hành xử phải đạo hơn và cũng văn minh hơn mỗi khi đưa tay ra đón nhận món quà tình nghĩa từ những tấm lòng đồng cảm và biết sẻ chia.
TRẦN ĐĂNG