(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với các địa phương trong cả nước, công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra trên địa bàn tỉnh đã và đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh; ngành y tế và các đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung cao độ. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh này tại một số địa phương của Trung Quốc và tỉnh Vĩnh Phúc (Việt Nam), đòi hỏi công tác phòng, chống dịch nCoV ở Quảng Ngãi cần phải chủ động và linh hoạt hơn nữa, trong đó đặc biệt coi trọng công tác dự phòng lây nhiễm từ những người đến từ vùng dịch.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong công tác phòng, chống dịch nCoV phải xác định rằng, đây không phải là nhiệm vụ của riêng ngành y tế, mà là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và thôn, tổ dân phố, trong đó, ngành y tế giữ vai trò quyết định. Dẫu vậy, mỗi ngành, đơn vị, địa phương và từng người dân trong tỉnh cần giữ được sự bình tĩnh, chủ động, linh hoạt trong công tác ứng phó với dịch bệnh này. Bởi lẽ, với tinh thần công khai, minh bạch về thông tin tình hình dịch bệnh nCoV theo chỉ đạo của Chính phủ và nhiều thông tin chưa được kiểm chứng liên tục được cập nhật, lan truyền trên Internet, mạng xã hội... chắc chắn sẽ làm một bộ phận người dân lo ngại.
Do đó, cùng với các cơ quan báo chí trong tỉnh, hệ thống đài truyền thanh các cấp, thì cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh; các biện pháp phòng ngừa để người dân trên địa bàn tỉnh chủ động sẵn sàng ứng phó, đặc biệt là người dân ở những vùng, địa bàn khu dân cư có nguy cơ lây nhiễm cao. Kịp thời động viên, khích lệ tinh thần, biểu dương những tập thể, cá nhân đã chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh nCoV, nhất là đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp làm công tác này. Đồng thời, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân còn lơ là trong công tác này.
Một vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với công tác phòng, chống dịch nCoV hiện nay là đã xuất hiện tình trạng “kỳ thị”, “xa lánh” đối với một người đến từ vùng dịch, hoặc những người nằm trong diện bị cách ly để giám sát... diễn ra trong một số nhà máy, xí nghiệp và địa bàn khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, thì nguy cơ một số trường hợp đến từ vùng dịch khai báo không đầy đủ, hoặc giấu bệnh rất dễ xảy ra. Mà một khi như thế thì công tác chủ động phòng, chống dịch nCoV của tỉnh khó mang lại hiệu quả.
Mặt khác, việc loại bỏ tư tưởng “kỳ thị”,“xa lánh” đối với những người đến từ vùng dịch, những người bị cách ly cũng là giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp ở KKT và các KCN tỉnh, Khu VSIP… có sử dụng lao động, công nhân, chuyên gia người Trung Quốc tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện các hoạt động thương mại; xuất, nhập khẩu hàng hóa; khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
ĐỨC NGUYỄN