(Baoquangngai.vn) - Sáng 9.11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác Trung ương về kiểm tra công tác ứng phó với bão số 6 tại Quảng Ngãi. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Báo cáo với Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho biết, Quảng Ngãi đã sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 6 và mưa lũ. Hiện đã liên lạc được 100% tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển. Các tàu đã vào neo trú tại các cảng.
Tỉnh đã xây dựng phương án ứng phó, tập trung đảm bảo an toàn và lên phương án di dời người dân vùng xung yếu, nguy cơ ảnh hưởng của bão và mưa lũ đến nơi an toàn.
Kiểm tra tại kè Sa Huỳnh. |
Xác định 3 vùng trọng điểm ảnh hưởng cũa bão nên đã thành lập 2 Sở Chỉ huy tiền phương tại huyện Lý Sơn và huyện Đức Phổ. Dự kiến khi có tình huống khẩn cấp sẽ tổ chức di dời hơn 3.600 hộ, hơn 13.600 nhân khẩu tại các khu vực nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của bão như các huyện Lý Sơn, Đức Phổ và các xã ven biển.
Tùy theo tình hình mưa bão, địa phương triển khai phương án di dời hơn 8.100 hộ, hơn 28.600 nhân khẩu nằm trong các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng của mưa lũ, nước ngập sâu và sạt lở đất sau bão. Huy động thêm lực lượng luôn sẵn sàng ứng cứu, tuyệt đối không để các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Dự kiến đến 14 giờ ngày 10.11, sẽ hoàn thành công tác di dời dân ở vùng nguy hiểm. Địa điểm di dời ưu tiên là xen ghép các nhà dân kiên cố, sau đó là trường học, trụ sở.
Bộ trưởng thực tế tại cảng Sa Huỳnh. |
Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh và đi kiểm tra thực tế tại các khu dân cư ở xã Phổ Ninh, kè biển Sa Huỳnh, ở thôn Thạch Bi, cảng cá Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác chuẩn bị và phương án ứng phó với bão số 6 của tỉnh Quảng Ngãi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo: Bão số 6 là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, khả năng bão sẽ cập bờ vào ban đêm và thời gian lưu bão rất dài. Dự báo từ trưa ngày 10.11, vùng biển đã có sóng biển cao từ 6 - 8m.
Vì thế, các địa phương cần tổng rà soát, kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền, tránh trường hợp tổn thương khi neo đậu. Công tác chằng chống nhà cửa, di dân vùng nguy hiểm phải hoàn thành trong trưa 10.11. Tuyệt đối không để người ở lại lồng bè, tàu thuyền khi bão đổ bộ.
Kiểm tra công tác ứng phó của người ven sông Trà Câu, xã Phổ Ninh. |
Đảm bảo an toàn cho các hồ đập. Toàn bộ vùng trũng phải phân công cụ thể, chuẩn bị địa điểm di dân, đảm bảo an toàn, đặc biệt chuẩn bị các kịch bản, lực lượng để đảm ảo an ninh. Vùng miền núi đặc biệt lưu ý, những đập tràn, dọc sông suối, đập tràn, lưu vực dốc sau khi bão tan đổ bộ phải có người túc trực, canh gác.
"Đề nghị cần phải cảnh báo sớm đến người dân, đây là cơn bão rất mạnh. Không nên chủ quan, lơ là rất là nguy hiểm" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Thực hiện: A.KIỀU - T.TƯƠI