Khai mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

03:07, 15/07/2019
.

Sáng 15-7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 35.

TIN LIÊN QUAN

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 4 dự án luật, gồm: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Quang cảnh phiên khai mạc.
Quang cảnh phiên khai mạc.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đánh giá kết quả kỳ họp thứ bảy; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tám của Quốc hội; cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019-2026, việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xem xét, quyết định thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Tại phiên họp này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sử dụng tài liệu điện tử qua phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu phiên họp trên thiết bị di động. Để hạn chế việc sử dụng văn bản giấy, Văn phòng Quốc hội chỉ in một số tài liệu giấy cho đại biểu tham dự phiên họp.

Dự kiến, phiên họp thứ 35 diễn ra từ ngày 15 đến 17-7.

Rà soát kỹ lưỡng phạm vi đối tượng tạm hoãn xuất cảnh

Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật nói trên. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề xuất bổ sung các quy định có liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, việc quản lý, sử dụng các loại hộ chiếu...

Góp ý vào dự án luật, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải bày tỏ sự quan tâm tới các nội dung liên quan đến tạm hoãn xuất cảnh và cho rằng, các diện đối tượng tạm hoãn xuất cảnh quá rộng, sẽ khó cho các cơ quan thực hiện.

Thượng tướng Lê Quý Vương đặt ra tình huống có trường hợp nằm trong diện tạm hoãn nhưng lại đang mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư, cần mổ...) cần khẩn trương ra nước ngoài chữa trị thì giải quyết thế nào? Thực tế, việc quyết định tạm hoãn là rất khó khăn, vì đụng chạm đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, Ban soạn thảo nên rà soát kỹ lưỡng phạm vi đối tượng tạm hoãn xuất cảnh để bảo đảm không ảnh hưởng quyền công dân nhưng cũng không sót, lọt tội phạm.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các nội dung liên quan đến giải thích từ ngữ, các nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh; trình tự cấp hộ chiếu, giấy thông hành; tính khả thi của việc triển khai các quy định liên quan đến việc cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử, kết nối hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam...

Phát biểu kết luận phần thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp với ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tám.

Thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đồng thời đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo rà soát lại kỹ một số nội dung để hoàn thiện dự thảo luật.
 

Theo  Phong Thu/hanoimoi.com.vn

 


.