Bị loại trên sân nhà

04:07, 10/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc từ chối nhập hàng dệt may Việt Nam vào các siêu thị trên toàn quốc của Big C được xem như hàng may mặc Việt Nam bị loại ngay trên sân nhà của mình. Mặc dù Bộ Công thương đã có cuộc gặp để trao đổi với lãnh đạo Big C và việc từ chối kia đã được rút lại một phần, nhưng qua đó đã gióng một tiếng chuông cảnh báo về việc hàng Việt Nam nói chung và hàng may mặc nói riêng đang đứng trước nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi ngay trên đất nước mình.

TIN LIÊN QUAN

Cộng đồng mạng đã kêu gọi các “thượng đế” ở Việt Nam hãy tẩy chay sản phẩm được bán tại các Big C trên toàn quốc. Tuy nhiên, chung quanh câu chuyện “tẩy chay” này đang nảy sinh nhiều vấn đề cần đến sự bình tĩnh để xử lý hơn là nóng vội.

Chúng ta đều biết, hàng may mặc do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp đã trở nên thân thuộc với người đi mua sắm trong các Big C. Các doanh nghiệp (DN) may mặc của Việt Nam cũng đã đặt niềm tin vào Big C để họ trao gửi sản phẩm của mình mà không phải bận tâm gì. Thế nhưng, lãnh đạo Big C đã đột ngột thông báo bắt đầu từ tháng 7 này, hệ thống Big C tạm ngưng nhập sản phẩm may mặc của các DN Việt Nam. Có chút “cáu cặn” gì trong cốc nước vốn đã trong lành từ chục năm nay chăng?

Cộng đồng mạng - nơi vẫn thường trút giận vào bất cứ đối tượng nào nếu đụng đến số đông người Việt, đã có phản ứng tức thời bằng những rủa sả không thương tiếc trước sự “không thủy chung” này. Họ cho rằng, đây là chiêu trò của Big C nhằm từng bước loại hàng Việt ra khỏi hệ thống Big C để thay hàng Thái vào! Tuy nhiên, chưa thấy một ai đưa ra những bằng chứng về việc phá vỡ hợp đồng giữa Big C và các nhà cung cấp sản phẩm may mặc của Việt Nam cả.

Thuận mua vừa bán là lẽ thường tình, vì vậy, không thể buộc nhà phân phối phải chấp nhận lấy sản phẩm của một DN nào đó mà khách hàng không mặn mà để rồi chịu lỗ chẳng hạn. Nếu có những hợp đồng giữa nhà cung cấp các sản phẩm may mặc với Big C, nhưng phía Big C đã phá vỡ thì tốt nhất là đưa nhau ra tòa. Song có lẽ không có một hợp đồng nào ngoài việc “anh phải ủng hộ cho các loại sản phẩm may mặc của tôi vì anh là nhà phân phối nước ngoài, nhưng lại có “cửa hàng” trên đất nước tôi!”.

Lý là vậy, song việc “dừng đột ngột” của Big C là không hợp lẽ, bởi các DN dệt may thường ký hợp đồng hoặc những cam kết phi văn bản với nhà bán lẻ bao giờ cũng nằm trong thời hạn 3 tháng một lần. Nghĩa là, phải báo cho nhà cung cấp trước 3 tháng để họ sắp xếp. Đối với ngành dệt may, việc dừng gấp gáp như vậy khiến nhiều DN “vỡ kế hoạch”, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đời sống của số đông công nhân.

Kêu gọi “thượng đế” tẩy chay Big C là một cách phản ứng nặng tính “phủi nóng” cho “lòng yêu nước” bị tổn thương. Người tiêu dùng cũng không vì lời kêu gọi này mà “nghe theo”, tuy nhiên, dù có hợp đồng hay không đi nữa thì việc dừng đột ngột như thế cũng đồng nghĩa với sự bội tín rồi. Thua trên sân nhà là điều không ai mong muốn, nhưng đây là cuộc chơi trong thời buổi hội nhập nên sự công bằng và sòng phẳng được đặt lên trên hết.

TRẦN ĐĂNG
 


.