(Báo Quảng Ngãi)- Công an vừa triệt phá một đường dây sản xuất xăng giả với số lượng lên đến hàng trăm triệu lít. Vụ việc bắt đầu từ một chiếc xe ô tô bị cháy bất thường tại tỉnh Đăk Nông, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân chính là do xăng kém chất lượng.
Kiểm tra đột xuất một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thì phát hiện cửa hàng này còn chứa 10 mét khối xăng giả. Rồi hàng loạt cửa hàng khác trên địa bàn Đắk Nông cũng bị phát hiện bán xăng giả. Ban chuyên án do Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo đã hình thành. Thế nhưng, cũng phải mất đến 6 tháng mới có thể tóm được 23 nghi phạm tham gia vào đường dây chế biến xăng giả này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Báo cáo của Ban chuyên án cho biết, các đối tượng đã chi 3.000 tỷ đồng mua dung môi để chế biến xăng giả. Mỗi tháng, đường dây này đã cho “ra lò” đến 6 triệu lít xăng giả. Như vậy, trong hơn 2 năm qua, các loại xe chạy xăng tại địa bàn 7 tỉnh, thành phía Nam gồm Đăk Lăk, Đăk Nông, Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Sóc Trăng và Khánh Hòa đã “tiêu thụ giúp” cho đám người này khoảng 180 triệu lít xăng giả.
Số tiền lãi từ vụ làm và bán xăng giả ấy chưa thống kê được, nhưng số động cơ của các loại xe chạy thứ xăng tạp nham này bị hỏng hóc là không thể đo đếm hết. Vì tiền, các đối tượng này đã bất chấp hiểm nguy cho tính mạng của người lái xe, nếu dùng loại xăng giả mà những kẻ này chế biến.
Thực tế cho thấy, trong mấy năm gần đây, hàng loạt xe, nhất là xe máy, liên tục cháy, lúc thì đang chạy trên đường, khi thì để trong nhà, mà không rõ nguyên nhân. Các chuyên gia về động cơ phân tích rằng, các chi tiết roăng, ống dẫn nhiên liệu của xe không kín, gặp xăng dỏm làm tăng độ bay hơi cũng là nguyên nhân gây cháy xe.
Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu “ăn bớt” của khách hàng bằng các thủ đoạn bơm thiếu số lượng đã từng xảy ra và đã bị phát hiện, nhưng làm giả xăng thì có lẽ đây là lần đầu tiên. Bộ mặt thật của những kẻ làm hại đồng loại thì đã rõ. Pháp luật sẽ trừng trị số người này. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trong quá trình nhập các loại hóa chất, như dung môi chẳng hạn, để cho ra xăng giả, có kẽ hở nào cho sự gian dối đầy nguy hiểm ấy lẻn vào không?
Rồi lực lượng quản lý thị trường liệu có “làm lơ” để cho đám người này tự tung tự tác làm xăng giả không? Vì hàng trăm triệu lít xăng giả ấy được chế biến không hề đơn giản, lại được vận chuyển đi tiêu thụ trên một địa bàn rộng lớn gồm 7 tỉnh, thành phố trong một thời gian rất dài, nhưng không bị phát hiện thì thật đáng ngờ.
Làm hàng nhái, hàng giả là điều không thể không có trong nền kinh tế mà những chế tài cũng như việc kiểm soát còn lỏng lẻo như ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất xăng giả là đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người và làm thiệt hại tài sản của nhiều người thì tính chất nghiêm trọng của nó phải khác với các loại hàng giả khác, nên không thể xử theo kiểu “răn đe” như các vụ án khác được!
TRẦN ĐĂNG