(Báo Quảng Ngãi)- Phải thừa nhận rằng, từ khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (năm 2009), cuộc vận động này sau 10 năm đã có những thành tựu.
Đúng như mục đích của cuộc vận động được nêu rõ trong Nghị quyết của Bộ Chính trị: “Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phải thừa nhận rằng, từ khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (năm 2009), cuộc vận động này sau 10 năm đã có những thành tựu. Đúng như mục đích của cuộc vận động được nêu rõ trong Nghị quyết của Bộ Chính trị: “Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.
Ở đây, sự “ưu tiên” này trước nhất đến với chính người Việt Nam khi tiêu dùng bất cứ hàng hóa nào, cần ý thức rằng mình đang góp phần nâng cao vị thế hàng Việt trên thương trường, mình dùng hàng Việt là mình yêu nước. Ngày trước, thời thuộc Pháp, chúng ta đã từng có những cuộc vận động người Việt dùng hàng nội hóa, như một biểu hiện của lòng yêu nước và tự tôn dân tộc.
Không chỉ ở Việt Nam mới có ý thức tôn vinh hàng nội địa, mà ở Nhật, ở Mỹ người ta cũng luôn khuyến khích, kêu gọi người dân dùng hàng nội địa như một biểu hiện của lòng yêu nước.
Tuy nhiên, hàng nội địa phải thế nào thì người bản địa mới dùng? Đó là mấu chốt của vấn đề. Nếu hàng nội địa không đạt chất lượng, hàng nông sản không đạt chuẩn sạch, hàng công nghiệp không đạt chuẩn kỹ thuật và không đáp ứng hình thức, các mặt hàng nội địa không có giá cả cạnh tranh, thì quả thật trong thời buổi kinh tế thị trường tự do cạnh tranh này, khi có những mặt hàng ngoại nhập ưu thế hơn về chất lượng và giá cả rất khó để thuyết phục người dân dùng hàng nội địa, dù người ta vẫn yêu nước.
Thêm nữa, khi thu nhập của người dân tăng lên, khi trong xã hội tầng lớp trung lưu và thượng lưu cũng tăng với tốc độ khá cao, thì xu hướng “ưu tiên” cho hàng hiệu, hàng ngoại nhập có chất lượng cao, thương hiệu lớn trở thành một thứ như “trào lưu”, như “mốt”. Chuyện “ưu tiên hàng ngoại, hàng hiệu” này tới giờ không chỉ đóng khung trong các mặt hàng xa xỉ, mà còn lan rộng tới hàng nông sản, hàng thực phẩm.
Chính vào lúc này, rất cần mở những đợt truyền thông sâu rộng, không chỉ kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt, mà còn vạch ra những yếu kém của hàng Việt và đề ra những giải pháp khắc phục. Chuyện “giải cứu” thực ra không hề xấu, vì nó là tình đồng bào, người Việt với nhau giúp đỡ lẫn nhau, nhưng không nên biến nó thành “nhiệm vụ” của đoàn thanh niên chẳng hạn. Vì nó không thể giải quyết căn cơ cái điệp khúc “được mùa mất giá” hay “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” mà chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm đau xót.
Kinh tế thị trường khác về bản chất với kinh tế chỉ huy, nhưng không thể để kinh tế thị trường rơi vào cảnh hỗn loạn, thiếu những định hướng về sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Vận động và định hướng ưu tiên hàng Việt là cuộc vận động lâu dài, kiên nhẫn, không thể chỉ tính 10 năm hay 20 năm, vì nó nhằm vào ý thức của cộng đồng dân tộc, mục đích của nó là đưa hàng Việt phát triển bền vững và từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, trở thành nhu cầu nội tại của người tiêu dùng nội địa. Muốn như thế thì chất lượng hàng nội địa phải đi trước, phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập, rồi kế đó mới là giá cả cạnh tranh.
Tạo được niềm tin và lòng tự hào của người Việt khi mua và sử dụng hàng Việt, đó mới là mục đích của cuộc vận động này. 10 năm chỉ là cái mốc đầu tiên, là một chặng đường trong cả tiến trình dài đưa hàng Việt tới người Việt.
THANH THẢO