Ý tưởng "ba trong một" tại đảo Bé

03:04, 30/04/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây gần 20 năm, tôi được gặp một nhóm anh em về Lý Sơn tìm hiểu và nghiên cứu tiềm năng điện gió ở hòn đảo quanh năm nắng gió này. Nghe anh em trình bày những ý tưởng về dự án điện gió ở đảo Lý Sơn, tôi rất hào hứng.
Nhưng đúng là cách đây gần 20 năm, thì đó vẫn mới là câu chuyện “dạo đầu”, chưa biết bao giờ mới tới hồi “chốt”, vì đơn giản, ngày đó giá thành cho mỗi kwh điện gió là quá cao, trong khi giá mua điện của Nhà nước lại rất thấp và không hề có cơ chế giá ưu đãi nào cho năng lượng tái tạo. 
 
Như thế, lúc bấy giờ nếu làm điện gió tại Lý Sơn thì cầm chắc... lỗ nặng. Vì thế, những khảo sát và thăm dò của nhóm khoa học kia cũng chỉ dừng ở mức... tìm hiểu “tiềm năng điện gió Lý Sơn”, chứ chưa thể triển khai bất cứ hoạt động thực tế nào.

Bây giờ đã khác. Theo quy hoạch điện VII (điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18.3.2016, công suất điện gió nước ta năm 2020 sẽ đạt 800MW, năm 2025 là 2.000MW và năm 2030 là 6.000MW; tổng công suất điện mặt trời năm 2020 đạt 850MW, năm 2025 đạt 4.000MW và năm 2030 là 12.000MW.
 
Tuy nhiên, nhờ công nghệ năng lượng phát triển nhanh chóng, suất đầu tư cho năng lượng tái tạo giảm nhanh, giá thành sản xuất điện gió đã giảm 23% trong 7 năm qua và dự báo còn tiếp tục giảm sâu, trở nên rất cạnh tranh từ năm 2020.

Chính sự phát triển của công nghệ năng lượng làm giảm giá thành sản xuất điện gió, đưa nguồn điện tái tạo này tới mức cạnh tranh với các nguồn điện khác như thủy điện, điện than... đã khiến những dự tính từ gần 20 năm trước về dự án điện gió ở đảo Lý Sơn tới gần hơn với hiện thực.

Hiện tại, trên đảo Bé (Lý Sơn) đã triển khai dự án điện mặt trời và dự án này đang hoạt động. Nếu trong tương lai gần, đảo Bé có thêm dự án điện gió, với giá thành cạnh tranh, thì không chỉ giải quyết vấn nạn thiếu điện, mà cả vấn nạn thiếu nước ngọt với giá thành rẻ cũng sẽ được giải quyết.
 
Hiện đảo Bé vẫn dùng nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt do Doosan tài trợ, nhưng nhà máy này hoạt động bằng động cơ diezel, do ngày ấy đảo Bé chưa có điện, khiến giá thành mỗi mét khối nước ngọt tái tạo từ nước biển trở nên khá đắt đỏ.

Theo tôi biết, ngay tại Quảng Ngãi hiện đã có một công ty sản xuất được tổ hợp máy lọc nước ngọt từ nước biển với công suất nhỏ đủ dùng cho khoảng 100-200 hộ dân và sử dụng điện để lọc nước. Nếu vừa kết hợp điện mặt trời với điện gió, đảo Bé sẽ sở hữu lượng điện dư dùng chạy máy lọc nước ngọt và còn đủ điện dùng cho sinh hoạt, cho nông nghiệp công nghệ cao, cho hậu cần nghề cá.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất nông sản lớn nhất nước, hiện nay người ta đang nghiên cứu và bước đầu đã thành công mô hình “hai trong một” vừa sản xuất năng lượng tái tạo, vừa sản xuất nông sản, hai cái này không triệt tiêu lẫn nhau, mà ngược lại, có thể đồng hành cùng nhau, giúp nhau phát triển.
 
Với đảo Bé, sự kết hợp “hai trong một” này còn thuận lợi hơn và nếu tính điện năng lượng tái tạo có thể giúp giải quyết việc lọc nước ngọt từ nước biển, thì mô hình này sẽ là “ba trong một”. Nước ngọt bấy giờ không chỉ là nước sinh hoạt, mà còn là nước tưới cho cây trồng, cho nông nghiệp, kể cả nông nghiệp công nghệ cao.

Nếu Quảng Ngãi quan tâm nghiên cứu mô hình “ba trong một” này cho đảo Bé và thực thi được dự án, thì trong tương lai gần, đảo Bé sẽ tự chủ được điện, được nước ngọt và các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hoàn toàn có thể thực hiện được ở hòn đảo đang và sẽ là điểm du lịch kỳ thú này.
 
THANH THẢO
 

.