Quảng Ngãi thiếu lao động tại các khu công nghiệp

06:04, 03/04/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 3.4, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình tuyển dụng lao động và bàn các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại địa phương, năm 2019, 2020. Theo đó, tính đến 31.12.2018, toàn tỉnh còn nhu cầu tuyển dụng 16.467 lao động, nhiều nhất ở Khu kinh tế Dung Quất, nhà máy Thép Hòa Phát, khu công nghiệp Vsip.
 
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ; Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lương Kim Sơn đã chủ trì hội nghị. 
 
Hơn 400 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, địa phương có số lao động lớn trên địa bàn tỉnh; đại diện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trung tâm, cơ sở giáo dục đào tạo nghề, các trường THPT, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị. 
 
Theo báo cáo từ UBND tỉnh, tính đến ngày 31.12.2018, trên địa bàn tỉnh có 5.063 doanh nghiệp đang hoạt động, với gần 99.000 lao động. 
 
Thời gian qua, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức 26 phiên giao dịch việc làm tại các địa phương trong tỉnh (2 phiên/tháng). 
 
Bình quân mỗi phiên huy động trên 40- 55 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Số lao động tìm được việc làm tại các phiên giao dịch chiếm 35-40%. Qua sàn đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp tuyển dụng trên 7.000 lao động, có hơn 900 lao động được tư vấn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo lao động.
 
Các đồng chí chủ trì hội nghị.
Các đồng chí chủ trì hội nghị
 
Các doanh nghiệp tuyển mới năm 2018 được trên 5.000 lao động. Qua 2 tháng đầu năm 2019, có hơn 3.800 lượt người trực tiếp khai thác thông tin và phỏng vấn tại sàn việc làm, số lao động khai thác thông tin việc làm qua website trung tâm 5.640 lượt. Kết quả đã có trên 2.000 lao động được tuyển dụng.
 
Dự báo trong năm 2019, 2020 nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao khi một số doanh nghiệp lớn sẽ đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh. 
 
Mở đầu hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh ta cũng đã liên tục đổi mới cơ chế, chính sách, các qui định về thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp nỗ lực tạo ra các tư duy mới trong quản lý hoạt động, thúc đẩy sự phát triển, đóng góp ngân sách rất lớn cho tỉnh, tạo điều kiện việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình hình lao động vẫn còn những hạn chế nhất định.
 
Tính đến 31.12.2018, toàn tỉnh còn nhu cầu tuyển dụng 16.467 lao động, nhiều nhất ở Khu kinh tế Dung Quất, nhà máy Thép Hòa Phát, khu công nghiệp Vsip còn thiếu đến 7.000 lao động. 
 
Người sử dụng lao động thiếu nhân sự, trong khi đó, các cơ sở đào tạo nghề chưa thật sự thu hút được nhân lực, người dân thì không có việc làm, kết cấu cung cầu chưa liên thông với nhau. Yêu cầu đặt ra là cần tìm “tiếng nói chung” giữa các cơ sở đào tạo nghề, đơn vị tuyển dụng và người dân. 
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắng nêu nhiều khó khăn, tồn tại về tình hình lao động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề ra những giải pháp nhằm góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho nhân dân, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở, cung ứng nguồn lao động đủ về số lượng, chất lượng cho đơn vị tuyển dụng. 
 
Chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ nhấn mạnh, trong thời gian đến, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan cần nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Các doanh nghiệp, địa phương, các sở ngành lập kế hoạch, khảo sát, dự báo nhu cầu lao động một cách chính xác, đúng thực tế địa phương, doanh nghiệp.
 
Sở Lao động Thương binh và Xã hội khẩn trương điều chỉnh, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách để sớm hình thành một thị trường lao động trong tỉnh phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường; ban hành qui chế phối hợp giữa các bên liên quan, vận hành nhịp nhàng, thống nhất. Cần liên tục đổi mới hoạt động Trung tâm dịch vụ việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm tốt hơn nữa, mang tính thực chất hơn. 
 
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ, việc đào tạo nghề cho lao động tại các cơ sở đào tạo cần phải liên tục đổi mới để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng và cần phải đào tạo theo nhu cầu của thị trường, gắn liền việc đào tạo với nhu cầu sử dụng nguồn lao động. 
 
Đề nghị các đơn vị tuyển dụng lao động cần công khai, minh bạch trong việc cung cấp các thông tin tuyển dụng, đảm bảo chính sách cho người lao động theo đúng qui định pháp luật, đảm bảo tính cạnh tranh, nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng trong thời gian đến... Đẩy mạnh công tác tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về việc học nghề.
 
Tin, ảnh: Thiên Hậu
 

.