Không thể vô trách nhiệm như thế

08:10, 20/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc các trường đại học “than trời” vì “không kịp trở tay” với Bộ GD&ĐT trong việc thay đổi quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, từ “hai trong một” giờ thành “một trong hai”, nhanh như trở bàn tay. Phải nói thẳng, kỳ thi “hai trong một” như vừa qua đã chính thức bị phá sản, do để xảy ra quá nhiều tiêu cực, vi phạm pháp luật và phải xử lý hình sự, điều chưa từng xảy ra trong các kỳ thi ở Việt Nam trước đây.

TIN LIÊN QUAN


Nói “chưa từng xảy ra” không có nghĩa là “đã không xảy ra”, nhưng dù sao, không ở mức độ lớn và dày như ở kỳ thi vừa rồi, đến mức cả xã hội cùng bức xúc, không chịu nổi.

Bây giờ, để sửa sai, Bộ GD&ĐT lại bỏ phăng kiểu thi “hai trong một” để chuyển thành “một trong hai”, đẩy quả bóng trách nhiệm về cho các trường đại học, muốn xét tuyển kiểu gì thì... “tùy các vị”. Điều này chắc chắn sẽ gây ra hậu quả rất không tốt cho kỳ thi tuyển sinh vào đại học sắp tới.

Sẽ có những trường thuộc “tốp dưới” cam chịu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT như thế này, dù ai cũng biết, thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn khác với thi vào đại học. Nhưng bây giờ chỉ có một kỳ thi, một kết quả, nếu không dựa vào đó để xét tuyển thì biết dựa vào đâu? Rất nhiều trường đại học không có khả năng tổ chức được ngân hàng đề thi, không tổ chức được kỳ thi vì quá tốn kém, vậy họ phải làm thế nào?

Không thể đơn giản giải quyết một sai lầm này bằng một sai lầm khác như vậy. Số trường đại học có khả năng tổ chức kỳ thi xét tuyển theo chất lượng cho riêng trường mình là rất ít. Còn lại, đa số trường đại học đều chưa thể chuẩn bị phương án riêng, để thích ứng kịp với sự thay đổi chóng mặt này của Bộ GD&ĐT.

Có cảm giác, chỉ vì kỳ thi “hai trong  một” giao về cho các địa phương chấm thi vừa qua bộc lộ quá nhiều bất cập, quá nhiều tiêu cực, bị xã hội lên án mạnh mẽ, mà Bộ GD&ĐT phải “xóa sổ” kiểu thi này, trong khi lại chưa hề có phương án hợp lý để thay thế, nên cứ phó mặc cho các trường đại học “tự bơi”.

Nếu Bộ GD&ĐT cứ “buông tay” theo kiểu này, thì kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa chắc đã hết những tiêu cực, ngược lại, có khi lại nặng nề hơn, vì các địa phương tự chấm thi và đều biết rằng kết quả chấm thi sẽ làm cơ sở xét tuyển đại học.

Rất nhiều trường đại học không chuẩn bị được phương án ngân hàng đề thi, không tổ chức được kỳ thi riêng, đành nhắm mắt tuyển sinh từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT mà họ thừa biết là không chuẩn xác. Như vậy, thiệt hại không chỉ thuộc về các trường đại học, mà thuộc về chính nền giáo dục Việt Nam. Ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại này, nếu không phải là Bộ GD&ĐT?      

     
THANH THẢO

 


.