Tận dụng tối đa vốn vay ưu đãi còn lại của ADB trong năm tài khóa 2018

04:09, 18/09/2018
.

Sáng 17/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp để rà soát, thúc đẩy 7 dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong năm tài khóa 2018.
 

 

Ảnh: VGP/Hải Minh
Ảnh: VGP/Hải Minh

 

Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Xây dựng; Tư pháp; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ; Ngân hàng Phát triển Việt Nam; đại diện các tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế...

 
Trong số 7 dự án, có 3 dự án đã được phê duyệt, còn 4 dự án đang trong quá trình chuẩn bị để đàm phán với tổng số vốn tài trợ khoảng 300 triệu USD, gồm các dự án về kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng toàn diện, phát triển hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mekong giai đoạn 2, phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2 và đầu tư mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.
 
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành, địa phương về tiến độ chuẩn bị và những vướng mắc nảy sinh, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh đây là nguồn vốn vay ưu đãi cuối cùng của ADB trước khi Việt Nam phải tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất kém ưu đãi hơn từ tổ chức quốc tế này kể từ ngày 1/1/2019, do đó cần hết sức nỗ lực để tranh thủ.
 
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan cần khẩn trương phối hợp hoàn tất mọi công việc chuẩn bị, nhất là khâu chuẩn bị hồ sơ dự án và tổng hợp, trình xin ý kiến Thường trực Chính phủ về cơ chế tài chính cho các dự án ngay trong tuần này.
 
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương phải đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả sử dụng vốn vay đồng thời phê bình một số chủ dự án còn chậm trong quá trình xây dựng dự án.
 
Cả 4 dự án trên, nếu chuẩn bị xong, sẽ được đàm phán trong thời gian từ 25/9/218-10/10/2018 để Ban Giám đốc ADB phê duyệt chậm nhất vào tháng 11/2018.
 
Các dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và ADB giai đoạn 2017-2018 tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán…
 
Đáng chú ý, sau khi Việt Nam dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) vào tháng 7/2017, từ năm 2018, các khoản vay của WB là vốn vay từ IBRD và vốn IDA chuyển đổi (IDA không ưu đãi). Điều này cũng sẽ được áp dụng đối với các khoản vay của ADB kể từ năm 2019. WB cũng yêu cầu các khoản vay của doanh nghiệp cần phải có sự bảo lãnh của Chính phủ./.
 
Hải Minh/Chinhphu.vn

.