Nhà máy điện mặt trời tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận được xây dựng trên vùng diện tích rộng 300ha có tổng công suất 204MW. Đây là dự án tích hợp năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam, nhằm khai thác lợi thế về nắng và gió của tỉnh Ninh Thuận.
Dự án có tổng công suất 204MW, được xây dựng trên vùng diện tích gần 300ha với kinh phí gần 5.000 tỷ đồng. Đây là dự án tích hợp năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2019, đóng góp khoảng 450 triệu Kwh điện hòa lưới điện quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lương Xuân Vĩnh cho biết với lợi thế về tốc độ gió, số giờ nắng và độ bức xạ, tỉnh Ninh Thuận được Chính phủ tạo điều kiện phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, tỉnh Ninh Thuận tích cực quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư dự án năng lượng tái tạo.
Theo ông Vĩnh, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận với đặc trưng nắng và gió, là yếu tố tự nhiên đặc biệt để khai thác, phát triển các dự án năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời.
Theo quy hoạch năng lượng tái tạo 2020 và tầm nhìn 2030, tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam, phát triển trên 2.000MW điện mặt trời.
Hiện, tỉnh Ninh Thuận quy hoạch 27 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất 1.600MW. Trong đó, 11 dự án đã triển khai tổng công suất khoảng 800MW và dự án điện mặt trời khởi công hôm nay là dự án thứ 12.
Theo ông Vĩnh, ngoài việc đóng góp nguồn điện cho điện lưới quốc gia thì dự án nhà máy điện mặt trời cũng góp phần ổn định kinh tế địa phương, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Do đó, ông đề nghị chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhất, đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành phối hợp và tạo điều kiện để dự án sớm hoàn thành, đưa vào khai thác.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu tỉnh Ninh Thuận tiếp tục thu hút đầu tư để phát huy tiềm năng địa phương, sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Quốc Anh/Dân trí