(Báo Quảng Ngãi)- Chuyện một sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng lên tận huyện miền núi Tây Giang giáp Lào thuộc tỉnh Quảng Nam để nhân giống trồng... sâm ba kích, mới nghe như truyện cổ tích.
Nguyễn Đức Hiển (1989), quê Hà Tĩnh, học chuyên ngành Sinh - Môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, sau khi tham gia nghiên cứu đề tài "Đánh giá sinh trưởng của cây ba kích bằng phương pháp nuôi cấy mô”, đã quyết định “khăn gói quả mướp” lên tận huyện Tây Giang, để tìm cách nhân giống sâm ba kích giúp đồng bào Cơ Tu ở đây thoát nghèo.
Sâm ba kích có tên khoa học là Morinda officialis How, đông y gọi là đẳng sâm, trong y học cổ truyền là loại sâm giúp ấm thận, tráng dương, khỏe gân cốt, trừ phong thấp, hạ huyết áp, tăng đề kháng... Bấy nhiêu công dụng, mới nghe đã mê.
Lâu nay, nói đến sâm ba kích là tôi cứ tưởng loại củ “ba kích tím” này chỉ có ở Quảng Ninh. Có một bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến nhắc đến rượu ba kích tím có câu “biển xanh rượu tím môi hồng”... nghe rất hấp dẫn. Không ngờ, ba kích tím còn có mặt ở Tây Giang của Quảng Nam từ rất lâu đời mà chính người dân ở đây cũng không biết công dụng. Còn khi đã biết, thì họ đua nhau vào rừng đào củ ba kích, tới mức giống cây thuốc này có thể bị tuyệt chủng.
May mà nhờ một chàng sinh viên trẻ ngành Sinh học, giống ba kích đã được nhân rộng bằng hom dây và bằng cấy mô, hiện đã được trồng đại trà ở Tây Giang. Củ ba kích tím hiện có giá 550.000 đồng/kg, nếu mỗi gia đình trồng 1ha, mỗi năm có thể thu tiền tỷ. Như thế, đây không còn là cây củ “thoát nghèo”, mà đã là cây củ “bảo bối” làm giàu cho bà con vùng cao.
Tây Giang có thể thoát nghèo, vươn lên khá giả từ cây ba kích, thì huyện Tây Trà, sao lại không? Tôi mang chuyện này hỏi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính, thì anh Bính cho biết: Tỉnh cùng hai huyện Tây Trà và Trà Bồng đã triển khai trồng thí nghiệm cây sâm ba kích cùng một số cây dược liệu khác dưới tán rừng.
Đặc điểm của cây ba kích là chỉ sống cớm nắng dưới tán rừng, vì thế muốn trồng ba kích thì phải biết bảo vệ rừng-tầng sinh thái che phủ cho ba kích phát triển. Như thế, một công đôi việc, vừa trồng được ba kích, vừa bảo vệ được rừng.
Từ mấy năm nay, cứ có kỳ hội chợ là các huyện miền núi Quảng Nam lại mang hai đặc sản của mình trồng được, là sâm Ngọc Linh và sâm ba kích tham dự hội chợ, vừa giới thiệu, vừa tiêu thụ sản phẩm. Tới bao giờ thì các huyện miền núi Quảng Ngãi cũng làm được như vậy, có những chợ phiên ba kích và những cây dược liệu khác để vừa bán, vừa xây dựng thương hiệu?
Nhiều người nói với tôi, các công ty dược đã đặt hàng cho Quảng Nam, họ sẽ tiêu thụ hết số lượng ba kích sản xuất được theo một cam kết từ 5 năm tới 10 năm. Như thế, đầu ra của cây và củ ba kích đã rất bảo đảm.
Có một kinh nghiệm không nhỏ từ sinh viên-nhà sinh học trẻ Nguyễn Đức Hiển khi nghiên cứu nhân giống cây ba kích: Phải liên kết chặt chẽ với “già làng” ở địa phương trồng ba kích. Ông Bhríu Pố - Bí thư xã Lăng (nay đã về hưu), là già làng đã phát hiện sâm ba kích tím, một dược liệu quý, mọc đầy rừng, chẳng ai đoái hoài, bà con Cơ Tu ở Tây Giang gọi là cây ruột gà.
Chính sinh viên Hiển đã liên kết với già làng Pố trong việc nhân giống cho bà con trồng ba kích đại trà. Sự liên kết “hai nhà” này đã làm nên những rừng ba kích tím mang lại no ấm cho bà con Cơ Tu ở Tây Giang.
THANH THẢO