(Báo Quảng Ngãi)- Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 12 về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và chính quyền các địa phương xây dựng các mô hình hợp tác xã (HTX) hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên... Chủ trương này thể hiện sự quan tâm rất lớn của người đứng đầu Chính phủ đối với tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn hiện nay.
Những năm qua, HTX là một thành phần kinh tế quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ xã viên, tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến. Sau gần 5 năm triển khai Luật HTX năm 2012, khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng bước đầu tạo được chuyển biến cả về chất lượng, hiệu quả và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội. Hiện cả nước có gần 19.570 HTX. Doanh thu của HTX và thu nhập của người lao động được cải thiện, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên. Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX cho tăng trưởng GDP của cả nước trong 5 năm qua đạt trên 4%, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị tại cộng đồng.
Riêng đối với Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 197/204 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó có 50% HTX được xếp loại khá, giỏi và 16% HTX yếu kém. Phong trào kinh tế tập thể và HTX của tỉnh trong những năm qua phát triển khá mạnh. Nhiều HTX hoạt động đạt hiệu quả cao, doanh thu bình quân của HTX khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt hơn 22 triệu đồng/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể, HTX của cả nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Còn nhiều xã chưa có HTX. Số HTX yếu kém giảm chậm; tình trạng HTX tồn tại hình thức còn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều HTX năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh thấp và lúng túng trong hoạt động, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh...
Từ thực trạng trên, vấn đề đặt ra hiện nay là, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về HTX, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận vay vốn theo quy định của Nhà nước. Xây dựng, tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng toàn diện cán bộ và thành viên HTX, gắn với đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Ngoài ra, đối với chính quyền các địa phương cần tập trung chỉ đạo, đề ra định hướng, triển khai cơ chế chính sách, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
PHẠM DANH