Mỗi xã một sản phẩm và thị trường bán lẻ

09:05, 13/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình quốc gia “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP) vừa được Chính phủ phê duyệt triển khai trên phạm vi toàn quốc. Đây là một chương trình lớn, nhằm phát huy nội lực vùng miền, đưa những sản phẩm địa phương, những đặc sản lâu nay còn “mai danh ẩn tích” của tất cả các địa phương trong nước ra thị trường bán lẻ Việt Nam.

Chương trình này đang thực hiện thành công tại Quảng Ninh, bây giờ sẽ được thực hiện trong toàn quốc, hứa hẹn góp phần "xóa đói giảm nghèo”, xây dựng nông thôn mới và phát huy tối đa nội lực của những vùng đất còn nghèo, nhưng đầy tiềm năng sản phẩm có thể biến thành hàng hóa.

Nhưng, một khi có những sản phẩm hàng hóa, thì việc xúc tiến thương mại, khâu đưa sản phẩm ra thị trường là cực kỳ quan trọng. Không có thị trường bán lẻ, không được thị trường này chấp nhận và tiêu thụ sản phẩm, thì chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” rất khó thành công.

Người ta đã ước tính, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt hơn 160 tỷ USD từ năm 2025 trở đi. Đó là một thông tin rất vui, nhưng đồng thời cũng biến thị trường bán lẻ Việt Nam thành một “chiến trường thương mại” thực sự giữa các đối thủ trong và ngoài nước, đặc biệt là các tập đoàn bán lẻ đến từ nước ngoài, kể cả những tập đoàn bán lẻ xuyên quốc gia.
Sản xuất được sản phẩm, nhưng không bán được, không tiêu thụ được thì người sản xuất sẽ bị phá sản. Trong khi thị trường bán lẻ Việt Nam đang bị các "đại gia bán lẻ” nước ngoài xâu xé, mà các “đại gia” này, một khi chen chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam, thì sản phẩm hàng hóa mà họ bán ra thường ưu tiên cho hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng hóa từ quốc gia họ. Lúc bấy giờ, hàng Việt sẽ bị đẩy lùi, sẽ thành thứ yếu, không thể khác.

Vì vậy, trong cuộc cạnh tranh thị phần bán lẻ này, rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ Nhà nước và xã hội để những tập đoàn, những hợp tác xã, những công ty bán lẻ Việt Nam chiếm được vị trí xứng đáng, với mục đích cho hàng Việt không chỉ được ưu tiên bán ra, mà còn được cổ vũ để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong nước.

Hướng phân phối thương mại mà chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” nhắm đến là một thị trường bán lẻ chuyên nghiệp và có tổ chức, chứ không phải thị trường tự phát. Vì vậy, một hệ thống siêu thị hoàn chỉnh và đang mở rộng ra cả nước như của Co.opmart, một hợp tác xã thương mại có bề dày hoạt động 22 năm, là hết sức quan trọng và cần thiết với chương trình cả nước làm sản phẩm này.   

Giám đốc marketing Saigon Co.op Đỗ Quốc Huy, cho biết: "Từ Co.opmart được xây dựng đầu tiên, đến nay Saigon Co.op đã phát triển thành công gần 100 siêu thị Co.opmart, phân bố rộng khắp cả nước và trở thành điểm đến mua sắm tin cậy của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt. Có thể nói, điều đáng tự hào nhất của hệ thống siêu thị Co.opmart trong 22 năm qua chính là kiên định giữ vững bản chất nhân văn của mô hình hợp tác xã và kiên trì làm bệ phóng cho hàng Việt nói riêng và hàng hóa sản xuất trong nước nói chung, bất chấp hấp lực lợi nhuận của hàng ngoại. Hệ thống siêu thị này kiên định duy trì tỷ lệ hàng Việt hơn 90% để thiết thực quảng bá và giúp hàng Việt tiếp cận sâu rộng thị trường trong nước".

Rất cần Co.opmart và cần thêm những tập đoàn, những HTX bán lẻ Việt Nam nữa cho hàng Việt được đưa đến tận tay người tiêu dùng Việt.
 

THANH THẢO
 


.