(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi năm đảo Lý Sơn đón hàng trăm ngàn khách du lịch. Nguồn thu từ “ngành công nghiệp không khói” này rất đáng kể, nó làm thay đổi hẳn bộ mặt của hòn đảo vốn buồn tẻ từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc trừ sâu để chăm sóc các loại cây trồng, nhất là cây tỏi ở đảo đang đặt ra cho cả người dân lẫn chính quyền địa phương một bài toán: Chọn du lịch hay chọn tỏi?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vì nếu cả hòn đảo ngập chìm trong thuốc sâu như đang diễn ra ngay mùa tỏi này thì rất khó để níu chân du khách ở thêm một vài ngày nữa, chứ đừng nói đến việc họ sẽ quay trở lại. Làm sao đó để vừa thu hút được du khách, nhưng nghề truyền thống, tức trồng tỏi ở hòn đảo này vẫn duy trì, đó là điều mà chính quyền lẫn người dân cần phải có lời giải, nếu muốn phát triển bền vững.
Lý Sơn có hơn 300 hecta đất dành cho sản xuất nông nghiệp. Trừ số diện tích dùng vào việc xây dựng các công trình dân sinh, các cơ quan, trường học, bệnh viện, số còn lại đều dành để trồng tỏi và hành, sang mùa khô thì trồng bắp và các loại đậu. Trong số các loại cây trồng kể trên, cây tỏi được xem như đặc sản ở đây, nên được chăm sóc đặc biệt hơn cả.
Để cứu cây tỏi khi bị sâu rầy phá hại nặng, người nông dân đã không ngần ngại sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun hàng ngày. Sâu rầy dĩ nhiên là đã bị tiêu diệt, song nguy hại từ việc lạm dụng thuốc trừ sâu như thế, không lường hết được cho sức khỏe con người.
Có lẽ nhìn thấy được mối nguy hại này, mới đây anh Nguyễn Văn Định, người được mệnh danh là “vua tỏi” đã trình diễn một mô hình trồng tỏi “thân thiện với môi trường”. Theo đó, trên diện tích 2.500m2, anh Định đã dùng phân hữu cơ vi sinh và không sử dụng thuốc trừ sâu, nhưng vẫn đạt năng suất chẳng kém gì cách trồng truyền thống. Mô hình này được áp dụng theo phương pháp canh tác hiện đại bên Nhật và Israel.
Lý Sơn đã xác định rõ phương hướng phát triển kinh tế trong những năm tới, trong đó du lịch được xem như mũi nhọn. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc trừ sâu như đã nói trên đây, không bao lâu nữa, nguồn nước ngầm của đảo sẽ bị ô nhiễm nặng, không những đe dọa đến sức khỏe của người dân, mà còn gián tiếp khiến du khách có thể quay lưng với đảo.
Đã có một mô hình trồng tỏi thân thiện với môi trường, dù có tốn kém, song nó mang tính bền vững. Mô hình này có thể giúp cả du lịch lẫn cây tỏi cùng song hành tồn tại trên hòn đảo. Chính quyền nên nhân rộng và khuyến khích người dân áp dụng phương pháp canh tác trên để cứu chính mình chứ không ai khác.
TRẦN ĐĂNG