Đề xuất sửa đổi 11 nhóm vướng mắc của Luật Đầu tư công

08:10, 03/10/2017
.

Chiều 2/10, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội phối hợp tổ chức phiên họp giải trình với chủ đề “Tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020”.
 
Về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là một luật mới, triển khai được gần 3 năm và bước đầu đạt những kết quả tích cực. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương có nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan đơn vị mình trong quán triệt, tăng cường quản lý đầu tư phát triển ở tất cả các khâu, từ quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án, bố trí vốn tập trung, đến triển khai, giám sát thực hiện, kiểm toán, quyết toán, nghiệm thu công trình.
 
Đồng thời, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiến Chính phủ được quản lý ngày càng chặt chẽ, công khai và minh bạch, theo đúng các tiêu chí, định mức. Việc giao cho các bộ, ngành, địa phương lựa chọn danh mục dự án, dự kiến phân bổ vốn ngân sách Trung ương, bổ sung có mục tiêu đã tạo quyền chủ động trong việc bố trí kế hoạch đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn; nâng cao hiệu quả đầu tư và trách nhiệm trong việc bố trí vốn của cơ quan, đơn vị mình.
 
Việc bố trí vốn đầu tư được tập trung hơn trước, góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng và phát huy hiệu quả; đã dành số vốn đáng kể để thanh toán vốn ứng trước và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2016-2020. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ hơn…
 
Tuy nhiên, Luật Đầu tư công là một luật mới, ban hành lần đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư công, cơ liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương. Do vậy, khó tránh khỏi những khó khăn khi thực hiện những quy định mới, những vướng mắc về cách hiểu, cách làm cũng như còn một số nội dung cần phải nhìn nhận và hoàn thiện sau một thời gian triển khai thực hiện.
 
Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên kế hoạch được lập, đã khắc phục được tình trạng đầu tư công bị cắt khúc từng năm và chuyển sang xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm; chuyển từ cân đối vốn hàng năm sang cân đối trung hạn 5 năm cả ở tầm quốc gia và các cấp chính quyền địa phương. Đây cũng là lần đầu tiên có thể tổng hợp được bức tranh toàn cảnh về đầu tư công và cân đối ngân sách nhà nước trong 5 năm.
 
Qua thực hiện, Kế hoạch đã đổi mới căn bản được phương thức phân bổ kế hoạch đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; đổi mới căn bản trong việc phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương…
 
“Kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước đột phá quan trọng trong quản lý nhà nước về đầu tư công. Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ cho thấy bức tranh toàn cảnh về các mục tiêu, định hướng, danh mục chương trình, dự án đầu tư công, phương án phân bổ vốn, các giải pháp huy động và nguồn lực triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định và đồng thời nhấn mạnh, trên cơ sở biết rõ tổng mức đầu tư công trung hạn, các bộ, ngành Trung ương và địa phương hoàn toàn chủ động trong việc phân bổ, bố trí vốn cho các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm hiệu quả nhất, góp phần khắc phục cơ bản tình trạng bị động, tâm lý trông chờ, ỉ lại, tư tưởng xin-cho…

 

Toàn cảnh phiên giải trình. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Toàn cảnh phiên giải trình. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã trả lời, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu quan tâm liên quan đến công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công; những khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc sửa đổi Luật Đầu tư công; vấn đề đấu thầu qua mạng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách; việc phân bổ vốn ngân sách nhà nước đối với những công trình trọng điểm…
 
Về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện luật chủ yếu tập trung vào các nội dung liên quan đến phân loại dự án đầu tư; tiêu chí phân loại dự án nhóm A; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP); thẩm quyền quyết định dự án đầu tư công; việc điều chỉnh dự án; điều kiện được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công…
 
Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết những hạn chế, tồn tại trong triển khai thực hiện là, do cân đối NSNN còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn nên khả năng cân đối nguồn vốn NSNN cho đầu tư phát triển còn thấp so với nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương; đối với 21 chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt, Kế hoạch mới chỉ đáp ứng được 53% nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương; trong quá trình chuẩn bị kế hoạch đầu tư trung hạn, việc chấp hành các quy định pháp luật ở một số đơn vị về đầu tư còn chưa nghiêm túc, nhiều đơn vị vẫn tiếp tục dự kiến kế hoạch quá nhiều dự án, dẫn tới phân bổ chi tiết kế hoạch vốn bị phân tán, dản trải, làm giảm hiệu quản thực thi pháp luật cũng như giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công…
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước những bất cập trong thi hành, việc sửa đổi Luật Đầu tư công là cần thiết. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Luật Đầu tư công sửa đổi.
 
“Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải khẩn trương xây dựng được phương án sửa để trình Quốc hội ngay trong phiên họp tới. Chúng tôi đã làm việc và đưa ra 11 nhóm vướng mắc cần sửa đổi, đây là những nhóm vướng mắc mà chúng tôi dự kiến sẽ trình ra Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 9/2017 để Chính phủ xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
 
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, hoạt động giải trình là một nội dung rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, một số văn bản Luật; đồng thời đánh giá cao Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã phối hợp tổ chức phiên họp giải trình với chủ đề hết sức thiết thực là: “Tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020”.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, qua nội dung giải trình, việc ban hành Luật Đầu tư công cũng như Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là một bước tiến hết sức quan trọng và có ý nghĩa; tạo ra hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ, hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả đầu tư công; đây là vấn đề mang tính lịch sử, ngăn chặn được tình trạng đầu tư công phân tán, dàn trải, thậm trí là tùy tiện, duy ý trí, chủ quan…
 
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng chỉ ra hàng loạt những tồn tại, hạn chế; nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, từ đó đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị hữu quan; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Đầu tư công, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; tránh làm sai luật, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan.
 
Trước khi sửa Luật, đề nghị Chính phủ rà soát lại các nghị định xem có vấn đề gì còn chưa phù hợp, còn bất cập; việc sửa Luật cũng phải tiến hành một cách bài bản và thận trọng, làm rõ căn cứ về sự cần thiết phải sửa đổi…
 
Nguyễn Hoàng/Chinhphu.vn

.