(Báo Quảng Ngãi)- Đây là bài toán không dễ tính cho một người dân bình thường, nhưng không phải không thể tính đối với những chuyên gia kinh tế. Vậy mà, ngay trong bài toán này, không phải mọi chuyên gia kinh tế đều giải ra những đáp số giống nhau.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tại buổi họp báo Chính phủ tháng 8.2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định: "Bộ Tài chính đánh giá rằng tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên 12% tác động đến người nghèo không nhiều". Theo lãnh đạo Bộ, người nghèo dành gần 60% thu nhập để chi tiêu vào y tế, thực phẩm, giáo dục.
Trong khi các lĩnh vực này đều được Nhà nước ưu đãi miễn hoặc giảm thuế GTGT, nên người nghèo ít tác động hơn. Còn ông Sebastian Eckhardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) tại Việt Nam, cũng có cùng nhận định như vậy. Ông Sebastian Eckhardt dẫn số liệu do WB tính toán cho thấy 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế GTGT.
Trong khi đó, 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế GTGT. Tức là, nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế GTGT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế GTGT thấp thật sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo. Nhưng có phải đó là điều xảy ra trong thực tế khi thuế suất GTGT tăng lên 12%?
Nhưng, khi tính toán về thu nhập của người nghèo và người giàu, thì phải tính độ chênh lệch quá lớn trong thu nhập của hai đối tượng này, từ đó mới tính ra tác động khi tăng thuế GTGT. Tính “đúng và đủ” như vậy, thì hóa ra, người nghèo quá thiệt thòi khi tăng thuế GTGT, cơ sự cũng chỉ vì họ có thu nhập thấp. Vì thế, khi vật giá đều cùng tăng với việc tăng thuế GTGT, thì người thu nhập thấp sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Còn theo TS Huỳnh Thế Du thuộc Trường ĐH Fulbright Việt Nam tính toán khi nhóm (thu nhập) thấp nhất phải nộp khoảng 9% và nhóm (thu nhập) cao nhất nộp gần 40% thuế GTGT, thì thuế suất trên 1 đồng thu nhập của nhóm thấp nhất gấp 2,6 lần nhóm cao nhất. Nói cách khác, thuế GTGT tại Việt Nam đang có tính lũy thoái rất cao và so với tỷ lệ thu nhập, thì người giàu đang phải nộp thuế ít hơn rất nhiều so với người nghèo.
Như vậy là đã rõ. Chìa khóa để giải bài toán này là “thuế GTGT ở Việt Nam có tính lũy thoái rất cao”, từ đó đi tới nghịch lý là khi thuế GTGT tăng, thì người nghèo lại phải nộp thuế nhiều hơn người giàu. Chính vì thế, chúng ta cần hết sức thận trọng khi đề xuất tăng thuế GTGT, và trong khi chưa nghiên cứu thật thấu đáo, thì đừng vội vã phát biểu một cách quá lạc quan.
Ở những nước phát triển và đang phát triển, thuế GTGT chỉ tăng khi thu nhập của bộ phận đông đảo nhất trong xã hội tăng. Vì thu nhập tăng, họ sẵn sàng đóng thuế GTGT tăng mà không bị ảnh hưởng nhiều đến thu nhập và đời sống của họ. Còn ở Việt Nam hiện nay, liệu có bao nhiêu phần trăm người thực sự giàu? Và tầng lớp thu nhập thấp thật sự là bao nhiêu phần trăm?
Trong khi có thể quyết liệt chống tham nhũng, chống thất thoát trong đầu tư công, và chống lãng phí khi dùng ngân sách nhà nước, nếu những cái “chống” ấy thành công dù ở mức độ, thì có thể hạn chế đến tối đa việc tăng thuế GTGT. Với một quốc gia còn vật lộn ở “bẫy thu nhập trung bình” như Việt Nam, thì không nên tăng thuế GTGT bằng bất cứ giá nào.
THANH THẢO