(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, có một điều đáng mừng là nhiều tập đoàn, nhiều doanh nghiệp đã hướng mục tiêu kinh doanh của mình về nông nghiệp sạch. Nếu tổng kết được lượng thuốc trừ sâu, các hóa chất tăng trưởng, phân bón hóa học đã đổ xuống đồng ruộng Việt Nam, con số sẽ khiến người dân Việt Nam phải kinh hoàng.
Bao nhiêu năm nay, thói quen làm nông nghiệp nhờ sự “trợ giúp” của các hóa chất độc hại đã không chỉ đầu độc cuộc sống của người Việt, mà còn khiến “một bộ phận không nhỏ” nông dân ta ỷ lại vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật-tất cả đều là hóa chất có độc tính cao và sự di hại lâu dài đến sức khỏe đồng ruộng và sức khỏe con người.
Một số nông dân nghĩ rằng mình có thể làm những ruộng rau phun hóa chất để bán, còn làm một khoảnh rau riêng không hóa chất cho nhà mình ăn. Cách làm đó vừa mất đạo đức, vừa tạo nên ảo tưởng là người trồng rau có thể thoát khỏi những hóa chất độc hại do mình sử dụng. Không phải như vậy. Những hóa chất từ ruộng “rau bán” sẽ bằng nhiều con đường tác động đến những “khoảnh rau nhà ăn”, cũng như khi phun thuốc hóa học cho các ruộng lúa và rau, chính người phun thuốc phải chịu tác động trực tiếp của hóa chất.
Sự đầu độc của hóa chất nông nghiệp lên ruộng đồng và đời sống của người Việt Nam hiện nay còn lớn hơn nhiều so với sự đầu độc của thuốc khai quang Mỹ từng thả xuống Việt Nam thời chiến tranh. Chỉ khác một điều: Chất độc da cam thì Mỹ thả “miễn phí” xuống ruộng đồng rừng núi Việt Nam, còn các loại hóa chất “trợ giúp” nông nghiệp hiện nay thì người nông dân phải mua, thậm chí phải mua với giá đắt. Mua hóa chất để tự đầu độc mình và đồng bào mình, đó thật sự là một bi kịch.
Những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp organic (hữu cơ) tuy chưa nhiều, nhưng họ đã mở ra một xu hướng sản xuất nông nghiệp lành mạnh và sạch sẽ, nhằm bảo vệ sức khỏe cho nòi giống Việt.
Ở Quảng Ngãi, nếu có tập đoàn hay doanh nghiệp nào quyết tâm làm nông nghiệp sạch, thì chính quyền nên hết sức ủng hộ họ. Nhưng ủng hộ không đơn giản chỉ là cho thuê đất, mà cốt lõi là phải xem dự án của các doanh nghiệp này hướng về người nông dân như thế nào, hợp tác với nông dân ra sao. Cùng nông dân sản xuất nông nghiệp sạch công nghệ cao, nhưng phải làm chuyển biến được ý thức của nông dân và mang lại lợi ích cho họ. Và quan trọng hơn, giúp nông dân đoạn tuyệt với các loại phân bón hóa học và hóa chất tăng trưởng.
Đó thật sự là một cuộc cách mạng. Nhưng nó khó khởi sự đồng loạt, mà phải bắt đầu từ một số cánh đồng, một số vùng nông nghiệp. Sự thành công của những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, việc tạo được đầu ra tiêu thụ bền vững cho sản phẩm sạch làm nhân rộng mô hình này, và theo chiến thuật “vết dầu loang”, nó sẽ lan ra khắp ruộng đồng Việt Nam ở những diện tích rộng. Đã là một cuộc cách mạng thì sẽ có vô vàn khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và nhiệt huyết tham gia cũng như hưởng ứng, ủng hộ của toàn xã hội. Nhưng không thể không làm.
Tôi đã được đi nhiều vùng nông nghiệp ở Quảng Ngãi, và tôi thấy tiềm năng thật sự, nếu doanh nghiệp và nông dân hợp tác cùng sản xuất nông nghiệp sạch. Nhưng cách làm thì đúng như ông chủ tịch của một tập đoàn kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch đã chia sẻ: “Chúng tôi không bao giờ có ý nghĩ thu mua đất của dân mà chỉ hợp tác với họ, chia lợi nhuận cho họ. Phải cân đối nguồn lực và lợi ích giữa các thành phần trong xã hội mới là nền tảng phát triển bền vững nhất của doanh nghiệp. Với ai nghĩ rằng có thể thuê được nông dân như thuê công nhân, chứ chúng tôi nghĩ rằng nông dân chỉ thích giữ cái gì của họ”.
Nếu một ông chủ doanh nghiệp nào khi đầu tư vào nông nghiệp sạch cũng nghĩ được như ông chủ vừa bày tỏ, thì khả năng hợp tác và chia sẻ thành công giữa doanh nghiệp và nông dân là hoàn toàn trong tầm tay.
THANH THẢO