(Baoquangngai.vn)- Chiều 17.8, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có buổi làm việc với UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan về việc lập hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Bình Châu và vùng lân cận; dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại đảo Bé ( Lý Sơn). Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng; Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh; Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng; Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lê Quang Thích; lãnh đạo các sở, ngành, huyện đảo Lý Sơn, một số chuyên gia đầu ngành trong nước thuộc các lĩnh vực văn hóa và địa chất.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ phát biểu tại buổi làm việc |
Theo đề án, công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn bao gồm vùng trung tâm là huyện đảo Lý Sơn và mở rộng ra 40 km bao gồm xã Bình Châu ( huyện Bình Sơn) và một số vùng phụ cận. Khu vực Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận có nhiều tiềm năng về di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Qua khảo sát, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, khu vực Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận có khả năng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Công viên địa chất toàn cầu, phù hợp với xu thế chung của thời đại và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh.
Dự kiến thời gian thực hiện đề án từ năm 2017 – 2024, với tổng kinh phí thực hiện hơn 48,4 tỷ đồng từ vốn sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển.
Đối với dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại đảo Bé (Lý Sơn) sẽ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa và kết hợp dịch vụ công theo đơn đặt hàng của cơ quan Nhà nước. Tổng mức đầu tư gần 65 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, các đại biểu đều thống nhất việc xây dựng và phát triển công viên địa chất Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận là hết sức cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển, đảo đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX đề ra.
Tuy nhiên, các đại biểu đề xuất, việc lập hồ sơ đáp ứng các tiêu chí của Công viên địa chất toàn cầu của Unesco phải được tiến hành song song với công tác bảo tồn khẩn cấp các giá trị di sản địa chất, địa mạo, di sản văn hóa, môi trường cảnh quan, hệ sinh thái khu vực Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận. Cần huy động nguồn vốn xã hội hóa khi thực hiện Đề án cũng như dự án bảo tồn khẩn cấp đảo Bé.
Đảo Bé (Lý Sơn) có địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học cần được bảo tồn |
Phát biểu kết luận cuộc họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Lê Viết Chữ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành, chính quyền các địa phương, các nhà khoa học trong bước đầu thực hiện việc lập đề án Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc lập đề án cần lấy cộng đồng dân cư làm chủ thể phát triển và hưởng thụ các lợi ích do di sản mang lại gắn với sự quản lí của Nhà nước và sự hợp tác giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiến hành ký kết hợp tác với Viện Khoa học Địa chất Việt Nam giúp tỉnh sớm hoàn thiện việc lập hồ sơ Đề án sớm trình Unesco công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức người dân và cả du khách về giá trị to lớn của di sản để cùng nhau giữ gìn và phát huy các giá trị di sản.
Riêng về dự án bảo tồn khẩn cấp đảo Bé (Lý Sơn), Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, nhà đầu tư tiếp thu và hoàn thiện dự án trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó, chú trọng yếu tố đảm bảo hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Tin, ảnh: M.Toàn