(Báo Quảng Ngãi)- Mùa hè, các bậc phụ huynh thường cho trẻ em đi học các lớp ngoại khóa, học ngoại ngữ... Đó là quyết định đúng. Nhưng để trẻ em phát triển một cách hài hòa và bình thường, thì có một cách dạy và học hay nhất, nhưng ít phụ huynh áp dụng cho con em mình. Đó là trò chuyện thân mật với con trẻ, nói với các cháu những điều bình dị nhưng thiết thực, xem các cháu có nguyện vọng gì, ham thích gì, khó chịu với những điều gì. Từ đó mà điều chỉnh cho phù hợp.
Giáo dục trẻ em là một nghệ thuật, tuy không quá cao xa, nhưng lại rất cần sự kiên nhẫn, tình yêu thương, sự đồng cảm. Tôi nói “đồng cảm”, chứ không nói “thấu cảm”, vì nói thấu cảm thì có khi lại chả “cảm” mà không “thấu” cái gì cả. Vả lại, đây là một khái niệm mà thế giới còn tranh cãi chưa hề ngã ngũ, nên chuyện Bộ GD&ĐT đưa chữ “thấu cảm” vào đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua đã làm nhiều người phản ứng. Nhưng nói “đồng cảm” thì ai cũng hiểu, và không ai phản ứng tiêu cực gì cả với khái niệm này.
Vậy thì, cha mẹ nên đồng cảm với con trẻ, dù cháu đang còn rất nhỏ. Trẻ con bây giờ phát triển rất sớm, nếu không quan tâm và thường xuyên chuyện trò với trẻ, thì nhiều khi sẽ nảy sinh những câu chuyện mà cha mẹ không lường trước được. Giống như những phức cảm tiêu cực, bây giờ có rất nhiều, trong khi hồi xưa có rất ít. Theo thống kê tại Mỹ, có đến 10% trẻ em gặp khó khăn trong học tập, vì các nguyên nhân xuất phát từ bản thân trẻ (bao gồm các bệnh lý về tâm lý - tâm thần) và các nguyên nhân từ môi trường. Như thế thì không còn là chuyện nhỏ nữa. Xã hội càng phát triển, càng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, thì càng phức tạp, càng làm nảy sinh những bệnh lý thuộc về stress mà trước đây, ở một xã hội thuần nông chẳng hạn, rất hiếm khi thấy.
Như gần nhà tôi có một người mẹ trẻ, có lẽ do công việc bộn bề và không thoải mái, nên hay quát mắng đứa con nhỏ của mình, khiến cháu bé thường xuyên phải sống trong căng thẳng và sợ hãi. Đó là điều tối kỵ khi chăm sóc giáo dục trẻ con, vì những “vệt tối” như thế, để lại dấu ấn rất sâu trong tâm hồn và tâm lý đứa trẻ, sau này chúng khó trở thành một người bình thường, giản dị và nhân ái.
Có thể cho trẻ em học những môn học ngoại khóa trong dịp hè, những môn học mà bản thân trẻ em phải thích thú, nhưng đừng ép con trẻ phải học những thứ mà chúng không thích hoặc “quá tầm với” của chúng. Như thế, chả có lợi gì, mà chỉ hại. Thay vì học nhiều như thế, thì cha mẹ nên dành thời gian quý báu của mình trò chuyện thân mật với con mình, nhất là với những em bé ở mẫu giáo và bậc tiểu học. Vì đó là lứa tuổi các em cần sự dẫn dắt của cha mẹ để bước vào thế giới. Và thế giới bao la ấy phải bắt đầu từ nhà mình, từ cha mẹ mình, những người thân yêu, gần gũi nhất với mình.
Và môn học trẻ em thích học nhất, chính là tình yêu thương của những người thân yêu dành cho các em. Hãy cho trẻ em được sống hạnh phúc, đó là niềm hạnh phúc thật sự và không hề tốn tiền.
THANH THẢO