Trường nghề đào tạo chủ doanh nghiệp

08:07, 31/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở Đài Loan hiện nay, có tới 70% chủ doanh nghiệp học từ các trường nghề. Như thế, ở Đài Loan, có thể gọi các trường dạy nghề là “Trường đào tạo các ông chủ”-một điều nghe thật xa lạ với Việt Nam. Vì sao như vậy?

Một vị lãnh đạo ngành giáo dục Đài Loan đã chia sẻ tại TP.HCM, sở dĩ có “chuyện lạ” như thế, vì hệ thống giáo dục ở Đài Loan có những đặc thù riêng. Đó là hệ thống rất chú trọng đến việc đào tạo nghề cho học sinh phổ thông, ngay khi các em đang học ở cấp trung học cơ sở (THCS).

Vị lãnh đạo giáo dục Đài Loan cho biết, trước đây học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học THPT chỉ chiếm 30%, còn lại 70% lựa chọn THPT nghề. Hiện tại tỷ lệ học sinh lựa chọn học THPT thông thường và hệ THPT nghề là 50-50, nhưng học sinh học nghề vẫn cao hơn.

Học nghề, nhưng học sinh hoàn toàn có thể liên thông lên đại học và cao hơn, lên học thạc sĩ hay tiến sĩ. Tuy nhiên, khi chọn học THPT nghề, học sinh được dạy nghề rất bài bản và học sinh hoàn toàn có thể chọn học những ngành nghề mình yêu thích. Mà ai cũng biết, trong học tập hay làm việc, nếu chọn được đúng nghề mình yêu thích, thì mình sẽ tận lực học cho thật tốt nghề đó, và như vậy, tỷ lệ thành công khi ra hành nghề là rất cao.

Nhưng để học sinh THPT chọn được nghề mình thích, thì trước hết, phải giáo dục cho học sinh biết tầm quan trọng của nghề trong cuộc sống. Câu nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hơn bao giờ hết phải trở thành một “slogan” cho học sinh từ cấp học THCS. Khi tinh thông một nghề, học sinh không chỉ chủ động được tương lai công việc cho mình, mà còn tạo đà hứng khởi để đi sâu vào nghề và học cao lên trong nghề nghiệp ấy.

Vị lãnh đạo giáo dục Đài Loan nói: “Ở Đài Loan, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng gánh vác với nhà trường, để đào tạo nhân lực. Hầu hết doanh nghiệp ở Đài Loan đều nhận thức như vậy và đây là mấu chốt để mô hình hợp tác nhà trường - doanh nghiệp được thực hiện”. Nghĩa là, ngay trong khâu học hành và đào tạo, doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò và trách nhiệm của mình đối với học sinh học nghề. Và “đầu ra” cho học sinh sau khi học nghề sẽ rất đảm bảo, vì doanh nghiệp đã tham gia đào tạo thì mục đích đầu tiên là để làm việc cho doanh nghiệp.

Nhưng, cái “điều lạ” ở đây chính là, học sinh sau khi được đào tạo nghề từ cấp học THCS tới THPT, khi đã tinh thông nghề và ra làm việc, thì sau một thời gian tích lũy cả kiến thức và kinh nghiệm, họ lại chủ động khởi nghiệp, trở thành những “ông, bà chủ”, và từ đó tạo lập thương hiệu cho mình. Nếu không có khởi đầu thuận lợi từ khi học trong các trường THPT dạy nghề, thì làm sao học sinh đủ kỹ năng, kiến thức và những kinh nghiệm ban đầu để sau này mạnh dạn đứng ra khởi nghiệp?

Nhìn lại cách giáo dục nghề ở Việt Nam, thì hầu như ở cấp học THCS, học sinh chỉ được học nghề rất... lơ mơ, thậm chí học cho... vui, và học xong thì “chữ thầy trả cho thầy”. Còn lên THPT, thì học sinh chỉ có một con đường là cố học để đỗ vào đại học. Ngay các trường cao đẳng mang tính dạy nghề bây giờ ở Việt Nam cũng lâm vào cảnh trống vắng học sinh. Nếu tất cả học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều chọn con đường vào đại học, thì các trường dạy nghề thất nghiệp là phải rồi.

Trong khi đó, rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không cách gì xin được việc, vì bản thân họ không tinh thông bất cứ một nghề nào cả. Cứ dạy “chung chung” và học “chung chung” như thế, thì làm sao xin được việc làm?

Chúng ta đang phát động phong trào “quốc gia khởi nghiệp”, nhưng nếu việc đào tạo vẫn như thế này, thì khả năng khởi nghiệp thành công của sinh viên và học sinh sẽ là rất thấp. Vì đơn giản, khi đứng ra khởi nghiệp, họ chưa thủ đắc được một nghề chắc chắn nào. Trong khi khởi nghiệp là một “sân chơi” chứa rất nhiều rủi ro, nhất là ở Việt Nam. Chúng ta chỉ khởi nghiệp thành công một khi các trường nghề trở thành “lò đào tạo các chủ doanh nghiệp”, như Đài Loan đã làm và đã rất thành công.   

THANH THẢO
 


.