(Baoquangngai.vn)- Sáng 6.7, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025”. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng.
Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiếu số” được thực hiện dựa trên Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 17.1.2017 của UBND tỉnh, áp dụng cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em, học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) tại 6 huyện miền núi của tỉnh và một vài huyện khác có học sinh DTTS.
Đề án nhằm giúp các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, chương tình giáo dục tiểu học; tạo tiền để các em học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, có ít nhất 50% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Hằng năm, có 100% học sinh chuẩn bị vào lớp 1 được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh cùng các giáo viên đã nêu một số thực trạng khó khăn ở miền núi trong việc triển khai dạy tiếng Việt cho các em là người DTTS. Đồng thời, cho ý kiến, giải pháp cụ thể trong công tác tăng cường tiếng việt cho trẻ; công tác phối hợp giữa mầm non và tiểu học trong việc hỗ trợ tiếng Việt cho trẻ trước khi đến trường.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng giao cho các huyện có học sinh DTTS kịp thời xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 80 của UBND tỉnh, đề xuất tham mưu về chế độ chính sách tiền lương, bố trí biên chế một cách thỏa đáng cho giáo viên thông qua Sở GD&ĐT để báo cáo UBND tỉnh.
Các sở, ngành liên quan, Ban dân tộc, theo chức năng nhiệm vụ của mình tham mưu, phối hợp với ngành giáo dục, đào tạo thực hiện tốt chủ trương này. Sở GD&ĐT chủ động, trực tiếp làm việc với các sở ngành với những nội dung thuộc trách nhiệm của mình, bàn phương án giải quyết, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo.
Các giáo viên- những người trực tiếp giảng dạy các em, ngoài việc trau dồi kỹ năng, kiến thức, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, có tấm lòng yêu thương, gắn bó với các em học sinh DTTS ở vùng cao… để kế hoạch được triển khai, áp dụng tích cực và phù hợp, mang tới những quyền lợi tốt nhất cho học sinh người DTTS.
Tin, ảnh: Thiên Hậu