(Báo Quảng Ngãi)-”Chương trình “Bổ túc văn hóa” trước kia hiện đã chuyển qua chương trình Giáo dục thường xuyên (GDTX), nhưng với cách đào tạo không khác bổ túc văn hóa bao nhiêu, chỉ có đối tượng học sinh là khác. Bây giờ, theo học GDTX là học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), nhưng thi không đậu vào THPT. Lẽ ra, số học sinh này cần chuyển vào học ở các trường dạy nghề, nhưng các em và gia đình các em không muốn vậy. Vì thế, các em chuyển vào học theo chương trình GDTX.
Chương trình này dạy theo chương trình THPT, nhưng có bỏ bớt một số môn học, nghĩa là “chương trình thiếu”. Nhưng khi thi tốt nghiệp hệ GDTX, các em vẫn được cấp bằng tốt nghiệp THPT, ngang với các em học ở các trường THPT. Như vậy là không bình đẳng, không chuẩn, nhưng cũng không ai nói gì. Khi có bằng tốt nghiệp THPT theo hệ GDTX, các em lại có thể thi hoặc được xét tuyển vào đại học, ngang với học sinh tốt nghiệp THPT.
Ai cũng biết, chất lượng đào tạo ở các trường GDTX là thấp, một phần do chất lượng giáo viên, một phần lớn do chất lượng học sinh. Chính tâm lý “vào đại học bằng mọi giá” đã làm nảy sinh ra một chương trình bất cập như thế này. Bộ GD&ĐT hoàn toàn biết có một chương trình như vậy, trong khi vẫn biết các trường dạy nghề quá thiếu học sinh theo học. Nhưng vì hệ thống trường dạy nghề bây giờ lại do Bộ LĐ-TB-XH quản lý, nên để “giúp” cho các trường đại học cấp thấp có học sinh vào học, mà Bộ GD&ĐT đã cho phép các trường GDTX tiếp tục tuyển sinh và hoạt động, dù không hề bất ngờ gì về kết quả học tập của học sinh.
Chỉ qua một câu chuyện như vậy đủ thấy, chương trình cải cách giáo dục ở Việt Nam là cam go đến thế nào! Làm sao nâng cao chất lượng học sinh tốt nghiệp THPT, khi các em theo học chương trình GDTX cũng có bằng tốt nghiệp ngang với các em tốt nghiệp THPT và đều bình đẳng trước cánh cửa vào đại học. Thực ra, với các em theo học chương trình GDTX thì hết sức khó để có thể thi vào các trường đại học tốp trên, nhưng sẽ rất dễ dàng được xét tuyển vào các trường đại học tốp dưới, những trường luôn thiếu và luôn “khát” học sinh. Chất lượng đào tạo ở các trường này thì ai cũng biết, nhưng do tâm lý muốn có tấm bằng đại học, nên học sinh và phụ huynh vẫn thích các trường này hơn, mà không mặn mà với các trường dạy nghề.
Nghịch lý giáo dục này nếu vẫn tiếp diễn, thì không có hy vọng gì cho những cải cách giáo dục sắp tới. Trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục thiếu trầm trọng nguồn nhân lực thạo nghề, mà muốn thạo nghề, thì phải học nghề. Tâm lý coi trọng đại học hơn trường dạy nghề đã dẫn tới nghịch lý đào tạo này. Trong khi đó, rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, nhất là đại học tốp dưới, không xin được việc làm. Nhiều sinh viên, kể cả thạc sĩ, sau khi tốt nghiệp mà không có việc làm, đã giấu bằng đại học hay bằng thạc sĩ, để quay lại học các trường trung cấp nghề.
Đó là câu chuyện không ai hiểu nổi, nhưng đã xảy ra ở nhiều nơi.
THANH THẢO