(Báo Quảng Ngãi)- Nhớ một lần, cách đây đã nhiều năm, khi có dịp ngồi ăn cơm trưa với nhà văn Nguyễn Chí Trung-khi ấy ông còn làm Trợ lý cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu-tôi có hỏi ông: “Theo anh, bây giờ tầng lớp nào trong xã hội ta khổ nhất?”. Ông Trung nói, đó là tầng lớp nông dân. Nhưng tôi thưa ngay với ông, khổ nhất bây giờ chính là tầng lớp công nhân. Mới đây, đọc một phát biểu với báo chí của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính, tôi càng thấm thía thêm điều này.
Ông Chính nói: “Lúc nào doanh nghiệp cũng mong muốn lao động tăng ca, tăng năng suất lao động, nhưng lại không muốn đầu tư cho lao động. Bữa ăn giữa ca có 9.000 đồng thì ăn gì?”.
Thực ra, giá tiền bữa ăn giữa ca ấy theo thông lệ chung là 12.000 đồng, nhưng vì thuê nhà thầu cung cấp, nên họ trừ lợi nhuận mất 3.000 đồng. Mà 9.000 đồng còn lại cũng chưa chắc đã tới đủ ở mâm cơm của công nhân! Với số tiền ấy, thì rất khó kiểm soát chuyện nhà thầu đưa thực phẩm không sạch vào bữa ăn công nhân.
“Chưa thể kiểm định được thế nào là thực phẩm sạch, nhưng ít nhất việc giám sát có thể giúp đảm bảo để các bếp ăn không được sử dụng thực phẩm ôi thiu, ngâm hóa chất. Không thể để bữa ăn giữa ca chỉ có vài miếng đậu phụ, vài cọng rau muống. Ăn như vậy thì lao động lấy sức đâu để tăng ca, tăng năng suất lao động, nói gì đến đảm bảo sức khỏe”, ông Chính nêu quan điểm.
Đó là quan điểm quá đúng của một vị lãnh đạo công đoàn. Nhưng làm sao, từ quan điểm đúng của công đoàn trung ương tới cái đúng của công đoàn doanh nghiệp, rồi tới cái đúng của doanh nghiệp, thì cuối cùng, nó mới tới được cái đúng trong bữa ăn giữa ca của công nhân. Đó là một quá trình hết sức nhọc nhằn, và trong khi chờ đợi kết quả, thì người công nhân công nghiệp tiếp tục phải chịu những bữa ăn giữa ca thiếu chất, thậm chí là không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đây là một vấn đề rất lớn trong tiến trình công nghiệp hóa ở Việt Nam. Lâu nay, chúng ta cứ hô hào phải công nghiệp hóa, mà nhiều khi quên mất chủ thể của công nghiệp hóa chính là người công nhân, chứ không phải chủ doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp đầu tư để kiếm lợi nhuận, dĩ nhiên không thể thiếu người công nhân làm thuê kiếm sống. Nhưng nếu người công nhân làm không đủ sống, trong khi bữa ăn giữa ca của họ đầy những rủi ro độc hại và thiếu chất, thì làm sao doanh nghiệp “ăn nên làm ra” được.
Mà doanh nghiệp vận hành không tốt, thì làm sao tiến trình công nghiệp hóa phát triển? Bữa ăn của công nhân, vì thế, không hề là chuyện nhỏ. Và không chỉ công đoàn làm việc với chủ doanh nghiệp là đủ, mà cần cả cơ quan Đảng và chính quyền cùng vào cuộc làm việc với chủ doanh nghiệp về vấn đề này.
Sắp tới, trong khi sửa đổi Bộ luật Lao động, thì việc tác động để cấp có thẩm quyền đưa bữa ăn giữa ca thành quy định bắt buộc (giống như tiền lương) là hết sức cần thiết. Khi đó, doanh nghiệp bắt buộc phải đưa nội dung này vào thỏa ước lao động, giống chế độ lương thưởng. Và công đoàn phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện này từ doanh nghiệp. Tiền ăn chỉ là một chuyện, cái quan trọng nhất chính là thực chất bữa ăn, phải sạch sẽ và có chất lượng.
THANH THẢO