(Báo Quảng Ngãi)- “Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GD&ĐT, thống kê số thí sinh (TS) bị điểm liệt theo từng môn trong năm 2015 như sau: Toán: 20.667; Lịch sử: 1.083; Ngữ văn: 973; Địa lý: 550; Vật lý: 260; Hóa học: 300; Sinh học: 300; Ngoại ngữ: 175. Số liệu này cho thấy cùng là các môn tự nhiên, với độ khó gần như nhau thì tỷ lệ TS bị điểm liệt các môn thi bằng hình thức trắc nghiệm thấp hơn tự luận. Đặc biệt là giữa môn thuộc khối khoa học tự nhiên”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ thi THPT năm 2017 này, môn toán là môn thi trắc nghiệm. Đó là môn nếu thi tự luận, số thí sinh bị điểm liệt sẽ cao nhất, dựa theo thống kê năm 2015. Còn nếu thi trắc nghiệm, thì như nhiều chuyên gia phân tích, khả năng bị điểm liệt môn toán sẽ xuống mức thấp “không thể thấp hơn nữa”. Vì thấp hơn nữa, thì chỉ có thể là do thí sinh... chán thi, không muốn đỗ tốt nghiệp trung học.
Nếu một kỳ thi mà thí sinh bước vào phòng thi là cầm chắc đỗ, thì tổ chức thi làm gì nữa nhỉ ? Mỗi kỳ thi THPT Nhà nước phải tốn hàng nghìn tỷ đồng, nhưng nếu “thi như không” thế thì, tiền tổ chức kỳ thi coi như đổ xuống sông xuống biển hay sao?
Đã đành, không ai muốn con cháu chúng ta trượt tốt nghiệp trung học. Bản thân người viết bài này đã từng nhiều lần kêu gọi hãy bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học, mà chỉ xét tốt nghiệp, để hầu hết học sinh đều có cơ hội nhận tấm bằng tốt nghiệp trung học. Còn kỳ thi chính danh, thì nên để kỳ thi vào đại học đảm nhiệm. Như thế học sinh chỉ phải thi một kỳ thi, và khả năng tập trung cho kỳ thi đại học sẽ cao hơn và điểm số thi cũng sẽ khả quan hơn.
Còn nếu cứ tiếp tục điệp khúc “hai kỳ thi” như lâu nay, thì với cách “cải tiến” bằng hình thức thi trắc nghiệm như bây giờ, hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả thí sinh đều đỗ tốt nghiệp. Mà nếu đã 100% đỗ tốt nghiệp, hay 99,99% đỗ, thì tổ chức thi chỉ tổ... phí tiền. Tại sao không nghĩ tới việc tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước, cho cả ngân sách phụ huynh bằng việc giảm hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Thay vào đó là hình thức xét tốt nghiệp trung học, vừa nhẹ nhàng, vừa để thời gian và sức lực cho học sinh tập trung vào kỳ thi đại học. Khi học sinh tốt nghiệp phổ thông muốn vào bất cứ một trường đại học hay cao đẳng nào, dù trong nước hay nước ngoài, thì việc họ phải thi một số môn thi bắt buộc là không thể tránh khỏi. Và cũng nói luôn, chính quá trình dạy và học ở bậc đại học mới quyết định học sinh (hay sinh viên) ấy có trang bị tốt được những điều kiện để phát triển trong tương lai hay không?
Người ta nói học toán trong các trường học ở Mỹ rất dễ, hầu hết mọi học sinh hay sinh viên đều học được. Trong khi ở các trường học tại Việt Nam, toán luôn là môn “chướng ngại vật” kinh khủng với học sinh. Nhưng thử nghĩ mà xem, chúng ta dạy toán “khó” như thế, nhưng học sinh hay sinh viên tốt nghiệp liệu đã có trình độ “toán thực tế” bằng hay gần bằng với trình độ toán thực tế bên Mỹ chưa? Chắc chắn là chưa. Vậy thì “làm khó nhau” ở các cấp học phổ thông để làm gì?
Hồi xưa chúng tôi học toán chỉ vì thích thú, còn bây giờ nhiều học sinh học toán chỉ vì... sợ, vì cố làm sao để “qua truông” trong các kỳ thi.