(Báo Quảng Ngãi)- Còn nhớ mùa hè năm 2015, hàng ngàn tấn dưa hấu thuộc các xã phía tây huyện Sơn Tịnh đến kỳ thu hoạch, nhưng vẫn nằm lăn lóc trên ruộng dưa vì không bán được, lực lượng đoàn viên thanh niên thuộc Tỉnh đoàn Quảng Ngãi và Huyện đoàn Sơn Tịnh đã nhanh chóng vào cuộc giúp dân bán dưa. Họ “kết nối” với thương lái tận Hà Nội và TP.HCM để về tận ruộng dưa thu mua. Họ lập hàng loạt điểm bán dưa khắp nơi trong tỉnh để tiêu thụ giúp nông dân. Thấy việc tương trợ mang nhiều ý nghĩa này, nhiều nhóm thiện nguyện khắp nơi trong tỉnh và cả nước cũng đã nhập cuộc giúp nông dân bán dưa.
Động thái tiếp sức này, dù không giải quyết một cách căn cơ câu chuyện “dưa ế”, song đã giúp một phần đáng kể cho người trồng dưa gỡ gạc chút ít về vốn để tái đầu tư sản xuất năm sau.
Nếu như năm ngoái, người nông dân khốn đốn với dưa ế thì năm nay, họ đang đối mặt với cá ế. Suốt một tuần qua, vùng biển thuộc xã Bình Đông (Bình Sơn) sôi động hẳn lên với hàng trăm người mua, kẻ bán cá bớp. Đáng buồn là, sự sôi động ấy không phải là do “đắt hàng” mà là kết quả của một đợt kêu gọi từ chính quyền địa phương, đặc biệt là đoàn viên thanh niên thuộc Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đến giúp dân tiêu thụ cá. Sau 7 ngày lăn lộn với người nuôi cá bớp tại vùng biển này, 50 đoàn viên thanh niên đã bán giúp cho bà con được một tấn cá. Riêng chính quyền huyện Bình Sơn, sau lời kêu gọi mọi người mua cá giúp dân, hàng chục tấn cá bớp đến kỳ thu hoạch đã được bán ngay tại lồng bè.
Lâu nay không ít người nhìn nhận các hoạt động của “đội quân áo xanh”, tức lực lượng đoàn viên thanh niên còn nặng tính phong trào, nhưng qua việc giúp dân tiêu thụ dưa năm 2015, giờ là tiêu thụ cá bớp thì hẳn mọi người sẽ thay đổi cách đánh giá. Những việc làm ấy của họ, hoàn toàn không mang tính “biểu diễn” mà đã đi vào thực chất. Gần như suốt một tuần qua, khi hay tin người nuôi cá bớp ở vùng đông Bình Sơn gặp khó là hàng chục đoàn viên đã tình nguyện về gỡ khó cho dân.
Họ lập riêng trang facebook để làm cầu nối mọi người với nơi bán cá. Họ ngược xuôi đến các nhà hàng trong tỉnh để “tiếp thị” bán cá bớp cho dân. Họ đã làm công việc đó một cách tự nguyện, không toan tính thiệt hơn cho bản thân mình. Đó là một sự hy sinh rất đáng trân trọng vậy.
Với 31 lồng bè, mỗi lồng bè nuôi 1.000 con cá bớp nhưng bán không được, dù giá đã hạ gần một nửa, trong khi đó mỗi ngày phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua thức ăn cầm hơi, hàng chục gia đình tại vùng biển này đang đứng trước nguy cơ sạt nghiệp vì cá. Sự tiếp sức của chính quyền, đặc biệt là lực lượng đoàn viên thanh niên lúc này là rất cần thiết để giúp dân tiêu thụ cá bớp.
Tuy nhiên, về lâu dài, người làm ra sản phẩm cũng cần phải tiên liệu những rủi ro để có hướng xử lý, chứ không nên dựa vào những người hoàn toàn không làm chức năng đi bán cá giúp dân như lực lượng đoàn viên thanh niên đã làm trong những ngày qua.
TRẦN ĐĂNG