(Báo Quảng Ngãi)- Giữa tháng 10 vừa qua, những trận lũ liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung, tập trung nặng nhất ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên. Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lũ lụt làm 29 người chết và tài sản bị thiệt hại cả nghìn tỷ đồng.
Người dân miền Trung hẳn còn nhớ rõ trận đại hồng thủy năm 1999 (trận lụt lịch sử ở các tỉnh miền Trung làm 595 người chết và thiệt hại về tài sản ước tính hơn 3.800 tỷ đồng). Điểm chung của những trận lũ lụt trên là mưa lớn, thiệt hại nặng nề. Nhưng cái khác ở đây chính là thời gian mưa và cường độ lũ lụt.
Trận lũ lụt 17 năm trước xảy ra là do mưa lớn kéo dài suốt một tuần. Lúc ấy, nước lũ dâng chậm và rút nhanh, nên người dân nhiều địa phương vẫn kịp sơ tán, di dời tài sản. Hoàn cảnh lúc ấy vẫn còn thiếu thốn thông tin, phương tiện và trang thiết bị cứu hộ cứu nạn; nhà cửa cũng không được khang trang, kiên cố như bây giờ. Trong khi đó, dù thời gian mưa ngắn nhưng những trận lũ vừa qua lại diễn biến quá nhanh và quá đột ngột.
Ngoài yếu tố thiên tai bất thường, với lượng mưa hơn 700mm trong vòng 12 giờ, thì việc thủy điện xả lũ cũng là tác nhân gây nên những thiệt hại khôn lường. Nếu thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh) không bất ngờ xả lũ ồ ạt với lưu lượng 1.800 m3/s trong 4 giờ, thì với lượng mưa như thế, nước lũ có dâng cao 2 - 3m trong thời gian ngắn? Hay như tại tỉnh Phú Yên, dù mưa lớn nhưng chính việc thủy điện Sông Ba Hạ tăng lưu lượng xả lũ lên 10.400m3/s mới là nguyên nhân khiến 11 xã, thị trấn của tỉnh này bị nhấn chìm trong biển nước.
Khi thiệt hại xảy ra, các đơn vị quản lý thủy điện đều biện minh rằng xả lũ được thực hiện đúng quy trình.“Đúng quy trình”, nhưng chính quyền và người dân các địa phương bị ngập đều khẳng định “không hề được đơn vị quản lý thủy điện thông báo về việc xả lũ”.
Nhìn người lại lo đến ta. Trên thượng nguồn của tỉnh cũng có vài nhà máy thủy điện lớn, nhỏ, tuy các đơn vị quản lý thủy điện cam kết sẽ vận hành và xả lũ "đúng quy trình", nhưng ai có thể đảm bảo, khi trời mưa lớn, thủy điện sẽ không xả nước để... bảo đảm an toàn công trình?
Qua những vụ việc vừa rồi, người dân trong tỉnh mong muốn các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ quy trình vận hành và xả lũ của thủy điện. Khi muốn xả lũ, đơn vị quản lý thủy điện cũng phải có lộ trình và thông báo để người dân vùng hạ du biết, chủ động ứng phó. Đừng đợi “mưa to, nước lớn” mới xả lũ rồi "đẩy trách nhiệm" cho... thiên tai.
THANH PHONG