(Báo Quảng Ngãi)- Hôm rồi về quê, gặp ông cậu trong họ đang là trưởng thôn, sau mấy câu thăm hỏi sức khỏe, tôi hỏi ông: “Cậu giờ cũng có tí chức quyền rồi, vậy cậu sợ gì nhất?”. Ông nói ngay: “Sợ lụt bão nhất”. Như sợ tôi nghĩ, lụt bão thì ai chả sợ chứ cứ gì trưởng thôn, cậu tôi nói thêm: “Lụt bão thì người dân ở quê sẽ bị thiệt hại. Rồi các đoàn cứu trợ sẽ về giúp dân. Điều đó quá tốt, song chung quanh cái sự giúp đỡ này lại nảy sinh ra nhiều chuyện phiền phức, bao nhiêu tội vạ, dân lại trút lên đầu trưởng thôn!”.
Đến đây thì tôi mới hiểu vì sao cậu tôi lại sợ bão lụt đến vậy. Cách đây không lâu, sau trận lũ dữ tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, các đoàn cứu trợ tới tấp đổ về vùng lũ, những phần quà cũng đã được trao cho người dân gặp nạn. Thế rồi, nhiều nhà báo đưa tin rằng đoàn cứu trợ vừa quay lưng, cũng là lúc trưởng thôn đến thu ngay số tiền của những gia đình gặp nạn ấy lại.
Nếu chỉ xem từng ấy thông tin thì không một ai là không phẫn nộ, nhất là những người vừa đến vùng lũ ấy giúp dân. Nhưng cái cách đưa tin của một số nhà báo và một vài tờ báo ấy thật nhẫn tâm. Họ cứ đưa tin mập mờ như vậy chứ không phân tích việc “thu lại” ấy được bắt nguồn từ đâu, thu lại để làm gì sau đó. Vì vậy, bạn đọc cứ nghĩ ông trưởng thôn thu lại số tiền vừa cứu trợ cho dân về làm của riêng nhà mình.
Sự thật thì không phải vậy. Thu lại tiền cứu trợ là có, song thu về để chia lại cho dân trong thôn một cách đồng đều, không để xảy ra tình trạng kẻ ít người nhiều, dẫn đến bà con chòm xóm đố kỵ nhau chỉ vì mấy trăm ngàn tiền cứu trợ. Sở dĩ có tình trạng ấy là vì, cũng cùng một thôn, thiệt hại như nhau, nhưng đoàn cứu trợ đi trước, tặng mỗi gia đình bị thiệt hại 300.000 đồng, nhưng đoàn cứu trợ đến sau lại tặng đến 1 triệu đồng/gia đình.
Vì các đoàn cứu trợ hoàn toàn “bí mật” khoản tiền giúp dân với ông trưởng thôn, nên không biết làm cách nào để cho mọi người dân bị thiệt hại đều nhận tiền như nhau cả. Ông trưởng thôn đã làm cái việc chẳng đặng đừng là đi thu lại để chia đều là vậy.
Trưởng thôn là cái chức nhỏ nhất trong hệ thống chính trị hiện nay, nhưng hoàn toàn do người dân trong thôn ấy bầu lên chứ không có sự sắp đặt hay cơ cấu của chính quyền cấp trên. Ông trưởng thôn được dân bầu ấy phải là một người hết lòng vì dân, chuẩn mực về tư cách đạo đức. Mức thù lao cho trưởng thôn cũng chỉ dừng lại trên 1 triệu đồng/tháng, bằng tiền công của 5 ngày đi làm thợ hồ.
Ấy vậy mà ông trưởng thôn phải gánh vác tất tần tật mọi chuyện của người dân trong địa bàn mình quản lý. Thế nhưng, có chuyện gì thiếu công bằng, người dân lại réo tên trưởng thôn ra mắng mỏ! Chuyện nhận quà cứu trợ trên đây là một ví dụ.
Miền Trung vẫn đang lũ lụt. Chuyện cứu trợ sẽ tiếp tục được triển khai tại vùng lũ. Hy vọng là các đoàn cứu trợ sẽ nghĩ ra một phương kế khác, tránh gây khó và những hiểu lầm không đáng có của mọi người đối với các ông trưởng thôn.
TRẦN ĐĂNG