Trong phiên thảo luận về nội dung kinh tế-xã hội tại Quốc hội sáng 3/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã giải trình, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu quan tâm về thực trạng kinh tế-xã hội, những khó khăn, bất cập trong sản xuất, đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến giải trình, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu quan tâm về đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trân trọng lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, ý kiến của các đại biểu Quốc hội về thực trạng kinh tế-xã hội, những khó khăn, bất cập trong sản xuất, đời sống, giáo dục, y tế, văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đúng thực tế, rất xác đáng và thật lòng. Nhiều đại biểu đã phân tích rất sâu sắc về nguyên nhân và đề ra giải pháp.
Ông Đỗ Văn Chiến cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015, đánh giá đúng kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, bất cập, nguyên nhân, để làm cơ sở xây dựng chính sách giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, Ủy ban đã tổng điều tra đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số đến từng xã và đến từng dân tộc. Đây là việc làm lần đầu tiên trong lịch sử công tác quản lý dân tộc để có cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định chính sách.
Ủy ban Dân tộc cũng đã tích cực nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020. Đến nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách rất quan trọng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020, trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và nhiều chính sách đặc thù khác.
Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng, đến nay vùng dân tộc miền núi vẫn còn là những vùng khó khăn nhất. Tỉ lệ hộ nghèo cao gấp hơn 3 lần so với bình quân chung cả nước. Nhiều tỉnh tỉ lệ hộ nghèo rất cao (Điện Biên 48%, Sơn La 47,8%, Hà Giang 43,6%, Cao Bằng 42,3%, Lai Châu trên 40%, Kon Tum trên 26%).
Tỉ lệ hộ nghèo cao, thiên tai dịch bệnh, thiếu việc làm, thu nhập thấp, tỉ lệ trẻ em bỏ học cao… vẫn đang là những thách thức rất lớn cần phải tập trung giải quyết.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, vùng dân tộc thiểu số và miền núi gồm 5.259 xã, 457 huyện thuộc 52 tỉnh, thành phố với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước, nhưng lại sinh sống chủ yếu ở nơi khó khăn nhất.
Trên 8 triệu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng biên giới, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, đất rộng, người thưa, dân số chỉ chiếm 1/6 nhưng diện tích chiếm 3/4 diện tích cả nước, có những huyện miền núi có thể nói bằng diện tích của cả tỉnh ở đồng bằng. Nhu cầu về vốn đầu tư rất lớn mà ngân sách Nhà nước đang rất khó khăn.
“Bản thân tôi cũng là người dân tộc ít người, sinh ra lớn lên và có nhiều năm công tác ở miền núi. Chúng tôi rất thấu hiểu và xin chia sẻ khó khăn, vất vả với bà con sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, cũng mong muốn đồng bào các dân tộc thiểu số đồng lòng, chung sức chia sẻ khó khăn chung của cả nước. Khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự ti, quyết tâm vượt qua chính mình, tìm tòi học tập, thay đổi cách làm ăn để thoát nghèo vươn lên làm giàu”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu.
Theo Chinhphu.vn