(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch được Chính phủ công bố sau khi xác định nguyên nhân cá chết tại 4 tỉnh bắc miền Trung, thì đến cuối tháng 8.2016, các bộ ngành hữu quan sẽ có thông báo chính thức là hải sản tại các tỉnh này có sử dụng được hay không? Tuy nhiên, phải mất 20 ngày sau, tức đến 20.9, ba bộ gồm Bộ TN&MT, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT mới công bố chính thức kết quả xét nghiệm các mẫu hải sản mà họ lấy được từ 4 tỉnh bị ảnh hưởng do sự cố môi trường từ Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh.
Người dân dễ dàng bỏ qua cho sự chậm trễ này, vì rằng, mỗi một kết luận của cơ quan chuyên môn trong lúc này là vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của hàng triệu người. Tuy nhiên, với kết luận từ các mẫu được lấy đi xét nghiệm trong nhiều tháng qua, một lần nữa khiến người dân bất an.
Theo đó, Bộ Y tế kết luận, tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế) đều an toàn, để dùng làm thực phẩm. Không có mẫu nào phát hiện có phenol (một loại hóa chất độc hại, cấm dùng trong thực phẩm-PV).
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đối với các hải sản: Tôm, ghẹ, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý đã phát hiện 132/1.040 mẫu hải sản của 4 tỉnh có phenol. Theo phân bố 132 mẫu hải sản có phát hiện phenol đều nằm trong vùng từ 5 - 25km (tương đương với khoảng từ 2,7- 13,5 hải lý), với tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô - Thừa Thiên Huế. Để đảm bảo an toàn sức khoẻ người tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị không sử dụng một số loại hải sản nói trên sống trong vòng 20 hải lý (các loại hải sản tầng đáy).
Như vậy, nỗi lo về hải sản bị nhiễm độc vẫn chưa loại ra khỏi bộ nhớ của người tiêu dùng tại các tỉnh nói trên. Bởi lẽ, người sử dụng hải sản không hơi đâu mà phân biệt loại nào sống cách bờ 25km trở vào, loại nào nằm ngoài phạm vi ấy cả. Họ chỉ biết hải sản đánh bắt tại vùng biển đó có an toàn hay là không an toàn mà thôi!
Điều đáng quan ngại nữa là, việc kết luận trên đây không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của ngư dân 4 tỉnh nói trên mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến những người “hàng xóm” như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định nữa. Cá ngừ đại dương tại Bình Định hiện mỗi con mất gần 1 triệu đồng (hiện giảm khoảng 14.000 đồng mỗi ký). Hàng loạt các tàu đánh cá tại Quảng Ngãi, dù là đánh bắt ngư trường Hoàng Sa hoặc Trường Sa, khi cập bến quê nhà cũng đều bị tư thương ép giá, khiến không ít chủ tàu lao đao, vì thua lỗ sau mỗi phiên biển.
Có lẽ người dân miền Trung đang chờ một kết luận nữa, rõ ràng hơn từ cơ quan chức năng vậy.
TRẦN ĐĂNG