(Baoquangngai.vn)- UBND tỉnh vừa giao nhiệm vụ cho Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, TN&MT tham mưu, trình UBND tỉnh điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Trồng rừng phòng hộ cảnh quan môi trường huyện Lý Sơn, đồng thời thống nhất thực hiện dự án kéo dài đến năm 2020.
Cụ thể, UBND tỉnh cho giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Lý Son rà soát toàn bộ những tồn tại, bất cập trong việc khảo sát, thiết kế, xác định loại cây trồng, biện pháp lâm sinh, thời gian chăm sóc cây trồng và các giải pháp kỹ thuật khác, để tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh dự án cho phù họp.
Tỷ lệ cây sống trên núi Thới Lới đạt thấp, vì điều kiện thời tiết bất lợi và đất đai khá cằn cỗi. Ảnh: Báo Quảng Ngãi. |
Đối với diện tích rừng trồng tại núi Hòn Sỏi, núi Giếng Tiền, giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục đầu tư chăm sóc, để cây phát triển, khép tán thành rừng. Riêng khu vực lòng chảo núi Giếng Tiền cần trồng xen hàng cây phi lao giữa hai hàng để nâng mật độ cây trồng trên 1ha tạo điều kiện rừng nhanh khép tán.
Đối với diện tích rừng trồng tại núi Hòn Tai, núi Thới Lới và Đảo Bé (xã An Bình): Triển khai chăm sóc cây trồng theo kế hoạch được duyệt để đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển; lựa chọn những loại cây trồng có tỷ lệ sống cao để trồng dặm thay thế những cây trồng đã chết.
Đối với cây trồng cảnh quan: Tại những vị trí không thể thực hiện trồng cây cảnh quan thì điều chỉnh giảm; phối hợp với UBND huyện Lý Sơn để lựa chọn vị trí khác và triển khai thực hiện trồng hoàn thành số cây cảnh quan đã được phê duyệt.
UBND huyện Lý Sơn có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn nắm rõ quy định về Luật Bảo vệ và phát triển rừng; tập trung giải quyết dứt điểm và có biện pháp ngăn chặn không để người dân thả bò, dê vào khu vực rừng trồng của dự án; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc giảm dần và đi đến chấm dứt việc nuôi bò, dê trên huyện đảo Lý Sơn.
Tính đến nay, việc trồng rừng của dự án 83,8 ha/118ha (đạt 71% theo kế hoạch); trồng cây cảnh quan: 1.657 cây/2.027 cây (đạt 81,74% theo kế hoạch). Nguyên nhân chưa hoàn thành việc trồng rừng và trồng cây cảnh quan theo kế hoạch là do quá trình khảo sát, lập dự án chưa kỹ, giải pháp kỹ thuật để trồng cây chưa phù hợp với tình hình thực té tại địa phương...
PV