Vươn khơi với công nghệ thông tin

04:08, 24/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày 24 - 26.8.2016, tại huyện đảo Lý Sơn, Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT - TT) Việt Nam lần thứ XX do Bộ TT&TT, UBND tỉnh Quảng Ngãi và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức, với chủ đề “Công nghệ thông tin và truyền thông với Biển - Đảo Việt Nam”.

Một trong những mục tiêu của hội thảo lần này là thảo luận về thực trạng, cũng như các nhu cầu bức thiết đặt ra với ngành CNTT-TT trong việc phục vụ hoạt động sản xuất của ngư dân trên biển và các đảo xa bờ.  
     

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Qua đó, tìm kiếm, lựa chọn được giải pháp, công nghệ thích hợp để phát triển kinh tế biển, đảo và trợ lực cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, làm giàu từ biển.

Quảng Ngãi hiện có hơn 5.500 phương tiện đánh bắt hải sản trên biển, với hơn 30 nghìn ngư dân đánh bắt xa bờ. Kinh nghiệm tích lũy qua nhiều thế hệ, qua hàng nghìn phiên biển là vốn quý cho những người đi biển, song như thế vẫn là chưa đủ trong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, hoạt động  khai thác thủy sản hiện đang gặp phải khó khăn, khi nguồn lợi thủy sản ven bờ bị cạn kiệt.

Vì thế, những năm gần đây, cùng với việc mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn, trang bị ngư lưới cụ, ngư dân Quảng Ngãi cũng quan tâm đến việc lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc hiện đại trên tàu. Đồng hành cùng ngư dân, các ngành, địa phương cũng chú trọng hỗ trợ ngư dân trong đảm bảo thông tin liên lạc.

Được hỗ trợ bởi các thiết bị thông tin nên hành trình vươn khơi, bám biển của bà con ngư dân trở nên thuận lợi hơn. Hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến biển cũng tăng gấp rưỡi, so với trước khi lắp đặt. Hơn  hết, việc nâng cao năng lực sử dụng thiết bị thông tin liên lạc đã rút ngắn khoảng cách giữa đất liền và biển, giúp ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi.


Dù vậy, phải thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều ngư dân ra biển đánh bắt cá bằng công nghệ cũ, với các phương thức cũ. Việc hiện đại hóa trang thiết bị cho các tàu cá trên biển cũng chỉ ở mức khởi đầu. Và điều quan trọng là trình độ, nhận thức của ngư dân vẫn còn ở mức thấp. Vì thế, việc ứng dụng CNTT, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế, nhiều ngư dân dù đã được trang bị hệ thống định vị vệ tinh Movimar, nhưng họ ngại dùng, vì sợ tốn nhiên liệu. Không những thế, họ còn “rối” vì tính năng quá nhiều...

Để thực hiện thành công “Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” cần thiết phải ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Trong đó có việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất của ngư dân trên biển và các đảo xa bờ. Song, cùng với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, cần nâng cao nhận thức, trình độ cho ngư dân. Có như vậy, mới đưa nghề cá phát triển hiệu quả, bền vững.


LINH KHA


.