(Baoquangngai.vn)- Sáng 17.8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến dự hội nghị có các đại biểu là đại diện Sở NN&PTNT, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cùng các sở, ban, ngành, địa phương.
Tại hội nghị, ông Dương Văn Tô-Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đã trình bày cáo cáo sơ kết thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong 3 năm từ 2013 đến 2016.
Ông Dương Văn Tô-Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh trình bày báo cáo sơ kết. Ảnh: H.L |
Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã xây dựng 9 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa với tổng diện tích gần 1.500ha. Năng suất bình quân vụ đông xuân đạt 70 tạ/ha đối với lúa thuần và đạt 85 tạ/ha đối với lúa lai, vụ hè thu đạt 67 tạ/ha cao hơn so với lúa đại trà từ 3-7 ha.
Trong giai đoạn 2013- 2016, toàn tỉnh đã chuyển đổi cây trồng trên 3.560ha đất lúa kém hiệu quả. Giá trị sau thu hoạch cây trồng cạn chuyển đổi cao hơn nhiều so với trồng lúa, điển hình như cây bắp (tăng 9,4%), đậu phụng (tăng 32,2%), cây đậu xanh (tăng 5,8%), đặc biệt là cây ớt tăng cao 3,8 lần so với trồng lúa trên cùng chân đất.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tính đến tháng 4/2016, đàn trâu trong toàn tỉnh là gần 67 ngàn con, tăng hơn 8,8%; đàn bò là hơn 280.560 con, tăng 2,5%; đàn bò lai chiếm trên 60%, tăng 5,1%; đàn heo là hơn 456.540 con, giảm 1,75%; đàn gia cầm 4,37 triệu con, tăng 3,6%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng hơn 41.500 tấn, tăng 21,2%.
Giá trị sản xuất trong chăn nuôi ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp. Năm 2013 chiếm 34,9 % thì đến năm 2016 ước chiếm khoảng hơn 40%.
Trong lĩnh vực lĩnh vực lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp chuyển hướng từ sản xuất chỉ chú trọng phát triển về diện tích và độ che phủ rừng sang hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển rừng bền vững. Diện tích rừng ngày càng tăng nhanh nhờ thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, thực hiện các dự án trồng rừng.
Mỗi năm toàn tỉnh trồng mới khoảng 12.000 ha rừng, ước cuối năm 2016, độ che phủ rừng đạt trên 51%, tăng 2,85% so với năm 2013.
Trong lĩnh vực thủy sản, trong những năm gần đây, khai thác thủy sản chuyển dịch theo hướng tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ, giảm tàu cá công suất dưới 90CV, tăng tàu có công suất 400CV trở lên.
Ứớc cuối năm 2016, toàn tỉnh có trên 5.568 chiếc tàu cá, tăng 335 chiếc so với năm 2013. Tổng công suất tàu cá năm 2016 ước đạt 1.218.000 CV, tăng 54,4% so với năm 2013. Sản lượng thủy sản khai thác ước đến cuối năm 2016 đạt 170.400 tấn, tăng bình quân 3,9%/năm.
Diện tích nuôi thủy sản năm 2016 ước đạt 1.440ha, tăng 75 ha so với năm 2013, trong đó nuôi nước lợ khoảng 800ha, nước ngọt khoảng 890ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 6.400 tấn, tăng 0,4% so với năm 2013, trong đó tôm nước lợ 4.600 tấn, cá nước ngọt 1.500 tấn và thủy sản khác là 250 tấn.
Về đóng mới tàu cá, đến nay tỉnh Quảng Ngãi đã đóng được 9 tàu cá vỏ thép trên tổng số 189 chiếc mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho tỉnh (trong đó có 3 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ). Tỉnh cũng đã thành lập được 8 Hợp tác xã dịch vụ khai thác hải sản xa bờ; củng cố và phát triển 306 tổ đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển.
Về tái cơ cấu gắn với xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2013- 2016, tỉnh Quảng Ngãi phân bổ kinh phí lên tới hơn 16 tỷ đồng để thực hiện 12 mô hình chăn nuôi, trồng trọt hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, có 11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới với 19/19 tiêu chí, ước đến cuối năm 2016 tăng lên 26 xã. Mức thu nhập bình quân đầu người/năm ở khu vực nông thôn đạt hơn 20,2 triệu đồng năm 2015, tăng hơn 5,2 triệu đồng so với năm 2013.
Theo đánh giá chung, độ tăng trưởng toàn ngành năm 2016 so với năm 2013 tăng bình quân 4,2%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản.
Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế của ngành nông nghiệp vẫn chưa có sự chuyển biến, đột phá rõ nét và chưa thật sự vững chắc, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp, HTX chưa tạo lập được mối liên kết trong sản xuất, chế biến, thu mua tiêu thụ. Công tác dự báo thị trường chưa được quan tâm đến mức dẫn đến điệp khúc "được mùa mất giá" gây thiệt hại trong nhiều năm.
Hiền Linh