Cử tri bức xúc vì tham nhũng, thăng chức bất thường

05:08, 07/08/2016
.

Trong chương trình tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội khóa XIV, chiều 6/8, nhiều cử tri Quận Tây Hồ (Hà Nội) đã bày tỏ lo ngại về tình trạng tham nhũng, công tác xây dựng luật còn nhiều bất cập...

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri Quận Tây Hồ chiều 6/8
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri Quận Tây Hồ chiều 6/8

 

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã nghe bà Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội thay mặt các đại biểu Quốc hội, báo cáo về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14. Ngay sau đó, các cử tri tại đây đã nêu nhiều vấn đề mà nhân dân, dư luận quan tâm, bức xúc trong thời gian qua.

 
Theo đó, cử tri Trịnh Phan Mạnh (phường Quảng An,Tây Hồ) đã hoan nghênh Ban Bí thư, Chính phủ quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm”. Tuy nhiên, cử tri này cũng nêu ý kiến, ở một chừng mực nào đó kỷ cương phép nước chưa được nghiêm, từ việc nhỏ đến việc lớn. Vụ việc điển hình như 8B Lê Trực, có vấn đề rích rắc nào đó mà nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đương nhiệm  Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo mà đến nay vẫn đang rục rịch làm. Đáng ra theo thẩm quyền chỉ Hà Nội làm là xong.
 
“Việc thứ 2 đang gây xôn xao dư luận, gây bức xúc trong nhân dân. Một Tổng giám đốc điều hành một TCty thua lỗ hơn 3.000 tỷ mà liên tục nhận được các danh hiệu thi đua. Sau đó, ông Trịnh Xuân Thanh lại được đón về Văn phòng Bộ, giữ nhiều chức danh quan trọng, tiếp đó lại được tỉnh ủy Hậu Giang tiếp nhận về làm Phó Chủ tịch tỉnh, trúng cử  ĐBQH với số phiếu rất cao. Hoặc trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đã nhập quốc tịnh Malta, mặc dù là ĐBQH khóa 12, 13 và trúng cử ĐBHĐND HN, ĐBQH khóa XIV. Cử tri mong muốn cần rà soát tất cả các vị trí cán bộ mà dư luận cho rằng đang có vấn đề” – cử tri Trịnh Phan Mạnh kiến nghị.
 
Ngoài ra, gần đây dư luận bức xúc vì nạn tham nhũng, bắt được vụ này lại xảy ra vụ khác, vụ sau tinh vi hơn vụ trước. Nhìn vào các vụ tham nhũng thường thấy là những người có quyền có chức, rất hiểu biết về pháp luật. Những vụ đại án khi các cơ quan chức năng sờ đến thì họ tìm cách tẩu tán tài sản. Báo cáo đã cho thấy có 60.000 tỷ đồng bị tham nhũng nhưng thu về chỉ được 5.000 tỷ. Ông Mạnh băn khoăn: Làm sao tài sản của các vụ tham nhũng phải được thu về.
 
Đề cập đến vấn đề xây dựng luật, cử tri Bút Danh Lan (phường Phú Thượng) cũng cho rằng, thời gian vừa qua, Quốc hội xây dựng được nhiều bộ luật tuy nhiên nhiều luật chưa đi vào cuộc sống, có luật sửa đi sửa lại, ví dụ như luật đất đai, liên quan trực tiếp đến người dân đến đời sống, không đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Hay gần đây là Bộ Luật Hình sự vừa mới thông qua chuẩn bị có hiệu lực thì Quốc hội lại dừng. Hiện nay luật dựa vào các cơ  quan chức năng soạn luật, đưa ra lấy ý kiến mà thao tác này hình thức. Trong khi đó, ĐBQH kiêm nhiệm nhiều quá. Năng lực của ĐBQH còn nhiều vấn đề. Trong cơ cấu từ tỉnh, huyện, doanh nghiệp kiêm nhiệm nhiều quá không có thời gian để đọc dự thảo luật chưa kể họ cũng không  có trình độ để tham gia góp ý vào dự thảo luật”- cử tri Bút Danh Lan nhấn mạnh.
 
Ngoài ra cử tri này cũng băn khoăn vì khi họp Quốc hội, ghế trống nhiều quá, nhiều đại biểu vắng mặt.
 
Sau khi lắng nghe các ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cá nhân ông với tư cách Tổng Bí thư sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện những ý kiến, tâm tư của cử tri gửi gắm. “Ý kiến của các bác hết sức phong phú, đa diện không chỉ về hoạt động QH mà về tất cả các mặt, những vấn đề nóng của xã hội. Chúng tôi nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các bác” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
 
Tổng Bí thư cũng cho biết, có một vài điều ông muốn trao đổi thêm với các cử tri. Thứ nhất, ý kiến của cử tri cho rằng “ ĐBQH còn kiêm nhiệm nhiều quá, ĐBQH chức sắc nhiều quá, họp ghế trống nhiều. Vì sao như thế? Có sửa ngay được không?  Không giống như nghị viện các nước trên thế giới, ở ta Quốc hội làm luật, giám sát, quyết định những vấn đề  quan trọng của đất nước, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân nên không thể không có kiêm nhiệm.
 
Đối với công tác xây dựng luật pháp, Tổng Bí thư cho rằng "đây là vấn đề  cơ bản. Chúng ta trình độ làm luật còn yếu. Người ta mấy trăm năm, nhưng chúng ta mới có mấy chục năm (từ năm 1946), còn nhiều cái phải học, phải hoàn thiện…Vừa làm vừa học vừa rút kinh nghiệm, tính chất nhà nước chúng ta thế nên cần có quá trình”.
 
Theo N. Huyền/Infonet

.